Bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian trong Lễ hội Hoa Lư

Bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian trong Lễ hội Hoa Lư
Nét đặc sắc trong Lễ hội Hoa Lư không chỉ bởi ý nghĩa tri ân, giáo dục lịch sử cho các thế hệ mà còn thu hút người dân, du khách trong và ngoài nước bởi các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc, góp phần tôn vinh văn hóa truyền thống của vùng đất cố đô. 
 
Du khách tham quan trưng bày mâm ngũ quả tiến Vua. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Du khách tham quan trưng bày mâm ngũ quả tiến Vua. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Lễ hội Hoa Lư là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất của địa phương được tổ chức tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Lễ hội năm nay được tổ chức trong bốn ngày, từ ngày 24/4 (tức mùng 9/3 âm lịch). Ngay từ sáng sớm ngày khai hội, hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã hội tụ tại sân Khu di tích để tham gia vào các nghi lễ truyền thống và phần hội đặc sắc. 

Theo các bậc cao niên xã Trường Yên, bên cạnh phần lễ trang nghiêm với các nghi lễ truyền thống, phần hội cũng thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương. Điển hình như trò chơi cờ người, trong đó bàn cờ tướng được vẽ ở một sân rộng, các quân cờ do người dân đóng vai trong trang phục phù hợp với vai cờ mình đóng. Hai người chơi cờ đứng trong sân cờ trực tiếp đến chỉ đạo từng quân cờ di chuyển. Trò chơi này thể hiện trí tuệ, tài trí của người chơi trong từng nước cờ, ván đấu. 
 
Thi đấu cờ Người. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN
Thi đấu cờ Người. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Hội thi chèo thuyền cũng là nét văn hóa của người dân Cố đô Hoa Lư. Với đặc điểm bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên, lịch sử, việc sử dụng thuyền được hình thành từ đã lâu. Môn chèo thuyền tại lễ hội bao giờ cũng được người dân và du khách chờ đón nhất. Trò chơi chèo thuyền nhanh và khéo có ý nghĩa ôn lại truyền thống trong lịch sử của cư dân kinh đô Hoa Lư xưa, lại vừa miêu tả hoạt động phục vụ du khách tại các điểm du lịch, là hoạt động giải trí phục vụ lễ hội mang ý nghĩa sinh hoạt văn hóa tinh thần. 

Ngoài ra, cuộc thi còn trưng bày mâm ngũ quả tiến vua, là một đặc trưng văn hóa lễ hội Hoa Lư. Các mâm ngũ quả được người dân bài trí thành hình rồng, phượng một cách trang trọng và đẹp mắt, thể hiện theo nhiều chủ đề khác nhau như: Lưỡng long chầu nguyệt, Quy tụ 12 sứ quân... chứa đựng ý nguyện cầu bình an, phồn thịnh cho người dân. 

Bà Đỗ Thị Viện, cán bộ Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết, các trò chơi dân gian tại lễ hội không chỉ đơn thuần là trò chơi mà còn thể hiện sâu sắc nét đặc trưng văn hóa vùng miền, là nét văn hoá độc đáo không thể thiếu, có vai trò giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất. Các trò chơi dân gian vẫn được lưu truyền trong lễ hội. Đặc biệt, nhiều trò chơi thu hút đông đảo lứa tuổi thanh thiếu niên tham gia góp phần giáo dục thế hệ trẻ gìn giữ văn hóa cổ truyền. 
 
Bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian trong Lễ hội Hoa Lư ảnh 3
Thi đấu cờ Người. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Du khách tham gia trò chơi đi cà kheo tại Lễ hội Hoa Lư. Ảnh: Hải Yến - TTXVN
Du khách tham gia trò chơi đi cà kheo tại Lễ hội Hoa Lư. Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Em Nguyễn Văn Phúc, thành phố Ninh Bình chia sẻ, hàng năm, khi Lễ hội Hoa Lư tổ chức các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian, em đều theo dõi và rất thích thú. Năm nay được trực tiếp tham gia em thấy rất vui vì đây là cơ hội để thế hệ trẻ có thể giao lưu, học hỏi tìm hiểu thêm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Ngoài ý nghĩa tôn vinh bản sắc của địa phương vùng di sản, Lễ hội Hoa Lư còn là nơi giao lưu các sắc thái văn hóa độc đáo của nhiều cộng đồng dân cư trong và ngoài tỉnh như: múa trống, múa cồng chiêng, múa lân, múa rồng... Sự đa dạng các sắc thái văn hóa làm cho lễ hội có sức hấp dẫn riêng. 

Trưởng phòng Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Ninh Bình - Phạm Ngọc Văn cho biết, Lễ hội Hoa Lư năm 2018 được tổ chức đúng vào dịp tỉnh Ninh Bình chào mừng kỷ niệm 1050 Nhà nước Đại Cồ Việt nên các hoạt động của lễ hội được tổ chức long trọng hơn mọi năm. Ngoài phần lễ, năm nay lễ hội tổ chức 30 hoạt động văn hóa và trò chơi dân gian. Nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền, ngoài những trò chơi dân gian như: thi đấu vật, bắn cung, chèo thuyền, năm nay, lễ hội có thêm một số trò chơi dân gian như: ném còn, đi cà kheo... Thời gian tới, ngành văn hóa tiếp tục tuyên truyền, tổ chức các trò chơi dân gian tại các lễ hội địa phương để lưu truyền, bảo tồn và tôn vinh văn hóa truyền thống. 

Với những giá trị văn hóa to lớn, Lễ hội Hoa Lư đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, là một thành tố cấu thành Quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO công nhận là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới. 
Hải Yến 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm