Mặt trước cung An Định, nhìn từ đình Trung Lập. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN |
Trên cơ sở các dữ liệu và hình ảnh được chụp từ thực địa lăng vua Tự Đức và An Định cung được chuyển thành mô hình ảnh 3D, giúp cho người dân, khách du lịch và những người quan tâm di sản văn hóa trải nghiệm về di sản văn hóa Huế mọi lúc, mọi nơi trong thời gian tới. Đây cũng là cơ sở để thực hiện dự án bảo tồn di tích lăng vua Tự Đức và cung An Định bằng kỹ thuật số hiện đại, chuyển hình ảnh hiện trường thành các mô hình 3D ảnh thực, tạo thuận lợi cho công tác nghiên cứu, lưu giữ tư liệu bảo tồn và phục hồi các điểm di tích của khu di sản Huế.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết, Công ty CyArk và Công ty Seagate Technology, là đơn vị hàng đầu thế giới về giải pháp lưu trữ dữ liệu, lần đầu tiên thực hiện dự án tại Việt Nam liên quan đến lĩnh vực bảo tồn văn hóa quan trọng. Bằng việc sử dụng công nghệ của Seagate, Công ty CyArk có thể lưu trữ, bảo vệ và xử lý dữ liệu mà họ thu thập một cách an toàn, hỗ trợ nhiều hơn nữa về mọi khả năng cho các thế hệ tương lai.
Khách du lịch tham quan lăng Tự Đức. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN |
Để triển khai dự án, Công ty CyArk đã thực hiện các cuộc khảo sát trên không với máy bay không người lái drone, quét laze mặt đất (còn gọi là LiDAR) và quan trắc tại khu vực di tích lăng vua Tự Đức và cung An Định. Trên cơ sở các dữ liệu và hình ảnh được chụp từ hiện trường, Công ty CyArk tiến hành tạo ra các mô hình 3D và các bản vẽ kiến trúc để hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong công tác quản lý, bảo tồn di sản. Công ty CyArk và Công ty Công nghệ Seagate sẽ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau ở cả hiện trường và tại văn phòng với các giải pháp lưu trữ dữ liệu.
Mặt trước cung An Định, nhìn từ đình Trung Lập. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN |
Biểu diễn Nhã nhạc Huế phục vụ khách du lịch tham quan lăng Tự Đức. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN |
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hiệu quả của dự án này không chỉ thể hiện trên khía cạnh về công nghệ lưu trữ tiên tiến giúp quản lý và bảo tồn di tích Huế bằng mô hình ảnh 3D, tuyên truyền quảng bá về các giá trị văn hóa Huế mà còn ứng dụng công nghệ hiện đại để phổ cập kiến thức về lịch sử, văn hóa, kiến trúc tới người dân, đặc biệt là lớp trẻ, những người đang bước vào tuổi trưởng thành, đánh thức nơi họ niềm yêu thích và ý thức bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, lăng vua Tự Đức là một di tích quan trọng trong quần thể Di tích Huế ở Việt Nam và mang ý nghĩa văn hóa quan trọng đối với người Việt Nam - khi được bảo tồn bằng kỹ thuật số thì kho tàng văn hóa này đảm bảo phát huy được giá trị nổi bật toàn cầu và tiếp tục duy trì cho các thế hệ mai sau.
Đối với di tích cung An Định, trước đây đã có các dự án phục hồi các bức tranh tường do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ không hoàn lại, với tổng mức đầu tư 355.000 Euro (giai đoạn I), để trùng tu các bức tranh và họa tiết trang trí ở tường và trần nhà theo kỹ thuật sơn dầu trên chất liệu vữa. Giai đoạn 2, dự án phục hồi tranh tường cung An Định với khoảng 3.610m2 tranh tường, vốn đầu tư gần 445.000 Euro. Cung An Định quay mặt về hướng Nam, phía sông An Cựu. Toàn bộ cung An Định có địa thế bằng phẳng, tổng diện tích mặt bằng hơn 23.000m2. Khi còn nguyên vẹn, trong cung có 10 công trình, từ trước ra sau là: Bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, hồ nước...
Cung An Định trước kia có tên là Phủ Phụng Hóa, được vua Đồng Khánh (1886 - 1889) cho xây dựng vào đầu thế kỷ 20 bên bờ sông An Cựu để làm quà cho hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo. Năm 1917, Hoàng tử Bửu Đảo sau khi lên ngôi vua lấy niên hiệu Khải Định (1916 - 1925) đã cho xây dựng lại phủ và đổi tên thành cung An Định. Năm 1922, theo ý nguyện của vua Khải Định, cung An Định được ban cho hoàng tử Vĩnh Thụy, sau này là vua Bảo Đại...
Quốc Việt
TTXVN