Giai đoạn 2014 - 2020, tỉnh Kiên Giang triển khai đề án “Bảo tồn gen động vật, thực vật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. Bước đầu, đề án này đạt những kết quả quan trọng.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang, kết quả thực hiện đề án, tỉnh có tổng số 83 nguồn gen tiềm năng, có giá trị, trong đó 61 nguồn gen được xác định đưa vào bảo tồn giai đoạn 2014 - 2020. Đến nay, tỉnh đã triển khai bảo tồn được 27 nguồn gen thực vật và 8 nguồn gen động vật. Các nguồn gen thực vật được triển khai tập trung vào nhóm các cây có giá trị kinh tế, gắn với nhãn hiệu tập thể của địa phương như: Khóm (dứa) Tắc Cậu, khoai lang Bông Súng, sầu riêng Ba Hồ, măng cụt Hòa Thuận, tiêu Phú Quốc, tiêu Hà Tiên… Cùng với đó là các cây có giá trị dược liệu được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền như: Mật nhân, hà thủ ô, kim thất, thiên niên kiện, dây gắm, ngọc nữ biển, nấm linh chi…; những cây đặc trưng địa phương như: Thu hải đường, lan bầu rượu…
Đối với các nguồn gen động vật, tỉnh triển khai bảo tồn tập trung vào nhóm các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Cá bóp, cá ngựa, cá chạch lấu, cá thát lát… và nguồn gen đặc hữu của địa phương cá trê suối Phú Quốc.
Bên cạnh đó, một số nguồn gen như: Bí kỳ nam, ghẹ xanh, vọp, cá lưỡi trâu U Minh Thượng, sò huyết đã được tỉnh phê duyệt thực hiện các nghiên cứu cơ bản, nhằm xây dựng các quy trình kỹ thuật sản xuất giống, quy trình trồng, nuôi thương phẩm để triển khai bảo tồn, phát triển các nguồn gen trong thời gian tới. Ngoài ra, nguồn gen chó lưng xoáy Phú Quốc đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt triển khai thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia bảo tồn nguồn gen quý, hiếm này.
Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang cho biết, công tác bảo tồn nguồn gen quý, hiếm, đặc hữu có giá trị kinh tế cao của tỉnh thời gian qua đã góp phần phục hồi một số nguồn gen bản địa thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Các nguồn gen đã và đang được bảo tồn, góp phần tích cực trong việc duy trì, bảo tồn, khai thác có hiệu quả các nguồn gen, nhất là các nguồn gen động vật, thực vật quý, hiếm, bản địa có giá trị kinh tế cao trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, y dược… Qua đó, góp phần phát triển các nhãn hiệu tập thể, các sản phẩm chủ lực của từng địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Việc bảo tồn thành công các nguồn gen không chỉ nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến khai thác các nguồn gen đặc hữu tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh phục vụ tiêu dùng xuất khẩu mà còn có ý nghĩa thiết thực giúp bảo vệ, gìn giữ các nguồn gen quý, hiếm cho thế hệ mai sau, nhất là nguồn gen dược liệu quý.
Trong thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh đầu tư thực hiện nhiệm vụ bảo tồn các nguồn gen, tăng số lượng nguồn gen được bảo tồn hàng năm.
Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang phối hợp với các ngành liên quan tập trung giải quyết các nhiệm vụ chưa thực hiện trong đề án “Bảo tồn gen động, thực vật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2014 - 2020”. Cụ thể là thành lập các vườn ươm giống, vườn nuôi - trồng chuyên canh gắn với cơ chế tài chính cho các vườn này hoạt động. Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang phối hợp với các đơn vị liên quan quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất các đối tượng nguồn gen phục vụ phát triển. Đồng thời, phối hợp xây dựng phương án triển khai bảo tồn, duy trì và phát triển nguồn gen khi những nhiệm vụ bảo tồn được nghiệm thu, tiếp tục tổ chức điều tra, khảo sát bổ sung danh mục các nguồn gen bảo tồn.
Tỉnh đầu tư khoa học kỹ thuật vào khâu nhân giống đảm bảo cung cấp đầy đủ và đúng giống chất lượng cho người dân để mở rộng sản xuất. Cụ thể là áp dụng nhiều biện pháp nhân giống, ứng dụng các kỹ thuật khoa học tiên tiến trong nhân giống; xây dựng các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc các nguồn gen để chủ động trong sản xuất.
Lê Huy Hải