Bảo tồn di sản hát Xoan bằng công nghệ

Bảo tồn di sản hát Xoan bằng công nghệ
Trình diễn nghệ thuật hát xoan. Ảnh TTXVN
Trình diễn nghệ thuật hát xoan. Ảnh TTXVN

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương cho biết: Dự án số hóa, tư liệu hóa di sản hát Xoan vừa được triển khai thành công giúp nghiên cứu, sưu tầm, thống kê toàn diện, đầy đủ các tư liệu, hiện vật về di sản hát Xoan Phú Thọ tại các cơ quan lưu trữ, các nhà nghiên cứu Trung ương và địa phương. Việc thực hiện số hóa tư liệu này còn nhằm thu thập, bổ sung tư liệu tương đối đầy đủ về di sản Hát Xoan, góp phần phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh. 

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, dự án đã hoàn thiện, các tư liệu hát Xoan được đưa lên mạng tại địa chỉ http://baotanghungvuong.vn/hatxoan. Dự án sưu tầm được 5 bài bản hát Xoan chữ Hán, chữ Nôm; 30 băng đĩa ghi hình, băng ghi âm, ghi hình điền dã trong thời gian lập hồ sơ hát Xoan; 200 ảnh tư liệu hát Xoan tại Hà Nội và những năm 70 của thế kỷ XX và nhiều tư liệu quan trọng khác. Dự án sưu tầm tư liệu, hiện vật tại gia đình các nghệ nhân ở 4 phường Xoan gốc thuộc xã Kim Đức, Phượng Lâu của thành phố Việt Trì, 23 câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, nhạc sỹ Lương Nguyên, nhạc sỹ Cao Khắc Thùy, Tú Ngọc, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, Dương Huy Thiện và các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài kỹ thuật số VTC, Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Thọ… 

Sau khi tập hợp, các hiện vật và tư liệu sưu tầm được đưa vào bộ phận kho kiểm kê - bảo quản để phân loại, xử lý tư liệu, hiện vật. Các tư liệu sau khi đã biên soạn nội dung được nhập vào phần mềm quản lý tra cứu gồm địa điểm, không gian văn hóa, nghệ thuật trình diễn, bảo tồn và phát huy, nghệ nhân, người truyền dạy, lịch sử và phong tục, bài bản hát Xoan, ảnh tư liệu, video, hiện vật, văn bản, tư liệu nghiên cứu. 

Bà Nguyễn Mai Thoa, Phó Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương cho biết: Để triển khai thành công dự án, Bảo tàng Hùng Vương gặp rất nhiều khó khăn. Khó từ công nghệ, kỹ thuật đến cả nhân lực. Các tư liệu về di sản hát Xoan nằm rải rác ở các trung tâm lưu trữ, nhà xuất bản, thư viện, viện nghiên cứu, báo chí Trung ương, địa phương… công tác thu thập tư liệu mất nhiều thời gian và nguồn nhân lực. Một số cơ quan, đơn vị yêu cầu về kinh phí mua tư liệu khá cao. Các nghệ nhân tuổi cao, sức yếu, một số cụ đã mất nên việc khai thác, sưu tầm gặp khó khăn. 

Bên cạnh đó, các nguồn tài liệu liên quan đến di sản văn hóa hát Xoan tản mát, phân tán ở các kho lưu trữ, thư viện, tủ sách tư nhân trong và ngoài nước. Do vậy, việc sưu tầm, hệ thống hóa đầy đủ các nguồn tài liệu trên cũng là một trong những nhiệm vụ cần thiết phải triển khai thực hiện trong thời gian tới. Tiến hành điều tra kiểm kê di sản hát Xoan bằng các phương pháp như phỏng vấn, ghi hình, ghi âm, ghi chép tư liệu, lập biểu mẫu kiểm kê, tổng hợp hệ thống hóa tư liệu - đây là một trong những quy định bắt buộc của Công ước UNESCO năm 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể… 

Để việc số hóa di sản hát Xoan đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Bảo tàng Hùng Vương và các nhà nghiên cứu tiếp tục điều tra, sưu tầm, kiểm kê tư liệu di sản hát Xoan trong và ngoài tỉnh; khảo sát, gặp gỡ, trao đổi với các nghệ nhân cũng như các cộng đồng lưu giữ di sản văn hóa hát Xoan; sao chép các tài liệu về văn hóa hát Xoan bằng máy quay phim HD, DVCAM, máy ảnh kỹ thuật số, băng, đĩa ghi âm để lưu giữ tại các cơ quan Trung ương và địa phương như Viện Âm nhạc Việt Nam, Bảo tàng Hùng Vương, Trạm vệ tinh Ngân hàng dữ liệu tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; khai thác kiến thức, kỹ năng hát Xoan của các nghệ nhân cùng với lý lịch cá nhân của họ để thu băng, quay phim, chụp hình... 
Đào An
TTXVN

Có thể bạn quan tâm