Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 21/7, cả nước ghi nhận 5.357 ca mắc mới, gồm 14 ca nhập cảnh; 5.343 ca trong nước. Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có số ca mắc cao nhất (3.556 ca), tiếp đó là Bình Dương (964 ca), Đồng Nai (170 ca), Đồng Tháp (109 ca)... Trong ngày đã có 528 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi của cả nước lên 11.971
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế có 123 ca nặng đang điều trị ICU; 18 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO. Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 4.336.833 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.019.161 liều, tiêm mũi 2 là 317.672 liều.
Làm rõ thông tin tiêm vaccine không cần đăng ký
Liên quan đến việc một số phương tiện truyền thông phản ánh thông tin về trường hợp tiêm vaccine phòng COVID-19 không cần đăng ký, không đúng đối tượng, ngày 21/7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra, làm rõ, nếu thông tin chính xác phải chấn chỉnh, xử lý theo quy định, rút kinh nghiệm ngay, dứt khoát không để tái diễn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương thực hiện nghiêm yêu cầu phân bổ vaccine theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Đặc biệt chú trọng chỉ đạo, thực hiện chiến dịch tiêm vaccine bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả, mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vaccine, ưu tiên các đối tượng theo quy định của Chính phủ. Chấn chỉnh ngay và xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) trong quá trình phân bổ và tổ chức tiêm vaccine.
Tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 21/7, Thường trực Ban Bí thư đã có Điện về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 gửi: Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu: Toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch. Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là Kết luận số 07-KL/TW, ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các địa phương, tổ chức, cá nhân làm tốt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.
Bí thư các tỉnh ủy, thành ủy, người đứng đầu cấp ủy tập trung chỉ đạo sát sao, phát huy vai trò của các cấp ủy, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo phương châm bốn tại chỗ với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo; thực hiện nghiêm các giải pháp giãn cách, cách ly, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, điều trị, tiêm vaccine, đặc biệt là tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và các vùng, địa phương có nguy cơ cao, nhằm kiểm soát kịp thời và khống chế hiệu quả, không để dịch lan rộng; triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long
Sáng 21/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Bến Tre.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các cấp, ngành tỉnh Bến Tre cần nỗ lực để sớm trở thành vùng an toàn. Trước việc một số ca dương tính vẫn lẫn khuất trong cộng đồng, Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng chống dịch phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà và rà từng đối tượng"; đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Ngoài ra, ngành Y tế Bến Tre xây dựng lực lượng xét nghiệm đáp ứng đủ nhu cầu khi có dịch xảy ra. Tùy tình hình thực tiễn, địa phương linh động các phương án chống dịch để mang lại hiệu quả tốt nhất; dập dịch sớm, đưa Bến Tre trở thành "vùng xanh" tại khu vực.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, Điểm cách ly tập trung Trường Chính trị Bến Tre.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Theo đó, Phó Thủ tướng lưu ý Tiền Giang kết hợp điều tra dịch tễ, khoanh vùng, dập dịch với nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế tối đa tình trạng ca bệnh chuyển từ nhẹ sang nặng và từ nặng đến tử vong, bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, tỉnh cần đảm bảo lưu thông hàng hóa an toàn, chú ý giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19...
Chiều 21/7, làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý tỉnh phải đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm các quy định phòng, chống dịch; chú ý giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Hướng đến việc giảm tải hệ thống y tế
Chiều 21/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các lực lượng của Bộ Y tế hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Long An để triển khai công tác phòng, chống dịch.
Về giảm tải hệ thống y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng Bộ phận phía Nam đã thống nhất chỉ đạo phân loại các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm; trường hợp bệnh nhân và bệnh nhân nặng. Cụ thể, trường hợp nghi nhiễm khi xét nghiệm bằng test nhanh dương tính được quản lý tại nhà hoặc vùng đệm – cơ sở cách ly tạm thời dựa vào cộng đồng do chính quyền địa phương thiết lập dựa vào cộng đồng. Trường hợp khi xét nghiệm bằng PCR cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, nếu nồng độ virus ở mức độ thấp (CT> 30), được quản lý và theo dõi y tế tại nhà.
Đối với trường hợp có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, bệnh nhân sẽ được chuyển vào cơ sở quản lý, chăm sóc người mắc COVID-19 ban đầu. Cơ sở này được hình thành từ các khu ký túc xá, nơi lưu trú, bệnh viện dã chiến…
Bệnh nhân có triệu chứng tiến triển, được theo dõi điều trị tại các bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương. Bệnh nhân có tiến triển nặng, nặng hoặc nguy kịch sẽ đưa ngay đến các cơ sở điều trị có Khu hồi sức tích cực hoặc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh.
Chiều 21/7 tại Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp góp ý Đề án Tăng cường năng lực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng.
Theo dự thảo Đề án, sẽ có 5 Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia đặt tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế; Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh), mỗi trung tâm từ 500-1000 giường bệnh và gần 30 bệnh viện được giao nhiệm vụ thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực của vùng, mỗi trung tâm từ 50-100 giường bệnh.
Bảo đảm cung ứng đầy đủ vaccine và oxy y tế
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có Công văn số 5838/BYT-KCB gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đề nghị khẩn trương phối hợp chỉ đạo thực hiện thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu cho nhóm bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại các địa điểm như khu ký túc xá, trường học, sân vận động..., với các trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân và thuốc thiết yếu.
Bộ Y tế vừa ban hành quyết định 3518/QĐ-BYT ban hành tiêu chí cơ sở an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Theo đó, tiêu chí cơ sở an toàn tiêm chủng gồm 3 phần: Thông tin hành chính, kết quả thực hiện tiêm chủng và 9 tiêu chí đánh giá. Các tiêu chí này đưa ra các yêu cầu cần chuẩn bị trước khi tiêm chủng, trong khi tiêm và theo dõi sau tiêm. Các tiêu chí đánh giá tính sẵn sàng và khả năng đáp ứng cho các cơ sở tiêm chủng theo từng tiểu mục. Mỗi tiểu mục chỉ đánh giá đạt hoặc không đạt.
ồng thời, Bộ Y tế đã có công văn số 5820/BYT-TB-CT gửi các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng oxy y tế và công văn 5821/BYT-TB-CT gửi các cơ sở y tế yêu cầu chuẩn bị đáp ứng sẵn sàng, phương án chủ động, đầy đủ về đảm bảo nguồn cung ứng, sử dụng oxy y tế cho công tác phòng chống dịch COVID-19.
Chuẩn bị cho việc triển khai tiêm vaccine trên diện rộng
Về kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 5, theo kế hoạch của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 22/7, thành phố triển khai tiêm vaccine trên diện rộng với 930.000 liều được phân bổ. Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 diễn ra tại 20 bệnh viện và 615 điểm tiêm ở xã, phường, thị trấn (mỗi điểm tiêm 120 liều/ngày). Dự kiến, chiến dịch sẽ hoàn tất trong vòng 2 tuần.
Trong đợt này, thành phố ưu tiên tiêm cho những người mắc các bệnh nền (bệnh thận mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường), người trên 65 tuổi, người thuộc diện chính sách, có công và đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế, người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế, người tham gia trực tiếp phòng, chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tình nguyện viên, phóng viên...).
Thông tin từ Bộ Y tế, lũy kế đến cuối tháng 7, Bộ Y tế đã phân bổ cho Thành phố Hồ Chí Minh 2 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Dự kiến đến cuối tháng 8 và đầu tháng 9, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ cho thành phố khoảng hơn 3 triệu liều nữa, nâng tổng số nguồn vaccine phân bổ cho thành phố lên đến 5 triệu liều.
Xây dựng phương án, kịch bản tổ chức tiêm vaccine
Ngày 21/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, trực tiếp là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, hiện nay, các đơn vị chức năng của thành phố đang tập trung xây dựng phương án, kịch bản tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 với phương châm đặt an toàn của người dân lên trên hết. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định Hà Nội đủ năng lực để tiếp nhận, bảo quản và thực hiện chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn ngay khi được Bộ Y tế phân bổ vaccine.
Trước mắt, mục tiêu của thành phố phải xây dựng phương án sẵn sàng triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 bảo đảm năng lực tiêm 200.000 mũi tiêm/ngày. Để đáp ứng các yêu cầu trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu ngành Y tế khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, vật tư y tế, con người nhằm thiết lập đủ số dây chuyền tiêm còn lại. Toàn bộ 1.200 dây chuyền phải đồng bộ, đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội có nhiệm vụ chủ trì phối hợp rà soát ngay điều kiện tiếp nhận, bảo quản vaccine phòng COVID-19 với số lượng lớn (từ 1 triệu liều trở lên). Hiện tại, khả năng tiếp nhận tối đa của thành phố trong cùng một thời điểm khoảng 1,3 triệu liều vaccine theo quy cách đóng gói của vaccine AstraZeneca. Do đó, Sở phải tính toán năng lực tiếp nhận tương ứng với các chủng loại vaccine khác nhau; bao gồm cả những vaccine đòi hỏi điều kiện bảo quản phức tạp như Pfizer (bảo quản nhiệt độ -740 độ C); lên phương án vận chuyển, phân phối vaccine cho các điểm tiêm bảo đảm an toàn, chất lượng, kịp thời.
PV