Tạp chí "Asia Nikkei Review" vừa đăng bài bình luận về các bài học cho châu Á từ sự kiện Brexit của Phó Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Quan hệ quốc tế, Khoa Chính trị, Đại học Chulalongkorn của Thái Lan. Theo ông Pongsudhirak, một hoặc hai thế hệ trước, các bài giảng bậc đại học ở Đông Nam Á đã so sánh các quan hệ hợp tác còn non trẻ của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tiến trình hội nhập đầy ấn tượng của châu Âu. Chủ nghĩa khu vực đầy khát vọng này của Đông Nam Á được truyền cảm hứng từ sự vươn lên có phương pháp của châu Âu. Châu Âu đã từ một liên minh thuế quan sau chiến tranh nhằm mở rộng "thị trường duy nhất" và cuối cùng trở thành một thực thể chính trị và kinh tế chính thức với chính sách an ninh, quốc phòng tập thể, các cộng đồng dân cư tương đối không biên giới, và một đồng tiền chung.
ASEAN cần xem Brexit là một bài học về tiến trình hội nhập. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Giờ đây mọi thứ không còn được như vậy. Brexit, quyết định của Vương quốc Anh rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) sau 43 năm là thành viên, chỉ đơn thuần là biểu hiện mới nhất cho mớ bòng bong thiếu hấp dẫn của châu Âu gồm nợ và khủng hoảng tài chính, các dòng người di cư, tị nạn và khủng bố thánh chiến. Đây vốn chỉ là một số trong các biểu hiện của cuộc khủng hoảng được dự báo trước. Châu Âu hậu Brexit là bài học về phương hướng và việc định hướng trong tương lai cho nhóm 10 nước thành viên ASEAN cũng như phần còn lại của châu Á.
Bài học chính từ Brexit đối với châu Á là phải theo đuổi hợp tác lâu dài trong khu vực mà không cần phải hội nhập bằng mọi giá. ASEAN đã trở thành điểm tựa cho việc xây dựng kiến trúc khu vực ở châu Á, nhưng thành công chưa thể sánh với EU. Nếu châu Âu đã tiến quá xa trong hội nhập kinh tế và liên minh chính trị, thì ASEAN mới chỉ đang tiến từng bước. Vẫn cần phải làm nhiều hơn trong việc thể chế hóa các không gian hợp tác của ASEAN, dù tổ chức này đã giúp sản sinh ra các khuôn khổ khu vực giữ cho châu Á ổn định và thịnh vượng. Một thành tựu của ASEAN gần đây là sự ra đời của Cộng đồng ASEAN.
Phương cách hội nhập của ASEAN về cơ bản không có tính ràng buộc, dựa trên các tiêu chuẩn, chức năng và các kế hoạch kết nối trên thực tế chứ không phải là các hiệp ước siêu quốc gia mang tính pháp lý và ràng buộc. Với ASEAN, các hoạt động dựa trên phương cách đồng thuận, không có việc biểu quyết đa số hoặc bất kỳ cơ chế giải quyết tranh chấp có hiệu lực nào, chủ quyền quốc gia được duy trì tốt.
Nhiều người trong khu vực Đông Nam Á sẽ viện đến tình trạng hỗn loạn ở châu Âu hậu Brexit như một sự xác minh rằng "Phương cách ASEAN” của quan hệ hợp tác trong khối là đúng đắn, rằng siêu quốc gia và hội nhập hoàn toàn không thể trả giá bằng chủ quyền và sự thiếu dân chủ dẫn đến sự vỡ mộng của người dân. Cách nhìn nhận hời hợt như vậy là sai lầm. Bây giờ không phải là thời đại để từ bỏ hội nhập khu vực và toàn cầu để quay về một thế giới "chỉ riêng mình ta". EU vẫn có thể tập hợp lại và tự tái tạo bằng cải cách nội bộ và lùi bước để giảm bớt hội nhập đến một mức phù hợp với các nhu cầu và xua tan những lo lắng của các cộng đồng dân cư.
Đối với ASEAN, đây cũng là lúc để xem xét có thể hội nhập chính trị và kinh tế đến mức nào và châu Âu đã thu lại được những gì từ điều này. Brexit sẽ dẫn đến việc châu Á được chú ý nhiều hơn khi sự dịch chuyển quyền lực và của cải toàn cầu sang khu vực đông dân nhất hành tinh, có diện tích đất liền lớn nhất và sở hữu tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất thế giới.
Châu Á chắc chắn không muốn tiến tới gần mức độ hội nhập như châu Âu, nhưng châu lục này cần hợp sức và hợp tác nhiều hơn. Vai trò tổ chức trung tâm của ASEAN vẫn mặc định là cuộc chơi chính trong khu vực này. Bài học rút ra là tăng tốc hợp tác khu vực, với mục đích cuối cùng là đạt được sự hội nhập có kiểm soát và có chọn lọc.