Ngày 20/10, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị Chuyên đề “Xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu” năm 2023 nhằm đánh giá tình hình xuất khẩu tôm của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua; đồng thời, đưa ra các đề xuất, giải pháp đẩy mạnh chế biến xuất khẩu tôm của tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, tỉnh Bạc Liêu hiện nay có 3 mặt hàng xuất khẩu chính là tôm, gạo và muối; trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm - chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tỉnh Bạc Liêu cũng đặt mục tiêu phấn đấu hết năm 2023 kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD; năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 1,7 tỷ USD.
Trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 676 triệu USD, tăng 7,19% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, tôm đông lạnh ước đạt 659,20 triệu USD, tăng 7,22% so với cùng kỳ. Hàng hóa xuất khẩu với thủy sản ước đạt gần 66 nghìn tấn, tăng 7,81% so với cùng kỳ; trong đó, tôm đông lạnh ước đạt hơn 63 nghìn tấn, tăng 7,81% so với cùng kỳ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Các sản phẩm tôm đã được chế biến đạt tiêu chuẩn và thâm nhập vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn còn không ít khó khăn do tác động từ hậu quả của dịch COVID-19, suy thoái, lạm phát ở một số thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn làm cho nhu cầu giảm, đơn hàng giảm; giá nguyên vật liệu đầu vào đều tăng, cạnh tranh với các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu như Ecuador, Ấn Độ…
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp trao đổi, góp ý trên góc độ quản lý cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ khâu sản xuất, chế biển, bảo quản và xuất khẩu vào thị trường các nước để góp phần cho thành công xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là ngành tôm trong bối cảnh mới.
Cùng đó, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm các ý kiến, kiến nghị của đại biểu, từ đó có sự chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ cho sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung và xuất khẩu tôm nói riêng. Qua đó, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân Bạc Liêu cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, đơn vị đã trình bày nhiều ý kiến, tham luận về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản thời gian qua, định hướng trong thời gian tới; kinh nghiệm quản lý trong chế biến và xuất khẩu; triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao và nguồn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; đánh giá thị trường, định hướng nhu cầu nguyên liệu chế biến thủy hải sản phục vụ xuất khẩu….
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2022 lần đầu tiên cán đích 11 tỷ USD; trong đó, tôm là sản phẩm chiếm tỷ trọng chi phối trong cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc… Xuất khẩu tôm năm 2022 ghi nhận con số kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021.
Tuy vậy, thời gian gần đây, hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ thị trường. Sức mua giảm sút, các tiêu chuẩn, quy định về sản phẩm ngày càng khắt khe, diễn biến của thị trường và cạnh tranh trong chuỗi cung ứng ngày càng khó lường. Chính vì vậy, xúc tiến thương mại được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo ông Vũ Bá Phú, trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đi liền đó là khả năng cạnh tranh cao và bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng, thời gian tới, nếu muốn xuất khẩu tôm vào thị trường EU, phải tăng cường sản phẩm thế mạnh như sản phẩm hữu cơ, bền vững; có biện pháp bán hàng và thanh toán phù hợp; tận dụng triệt để các lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) để nâng sức cạnh tranh.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định, UBND tỉnh sẽ đánh giá kỹ từng vấn đề mà các đại biểu đã chia sẻ, đặt ra để đưa vào Chương trình, kế hoạch hành động năm 2024 và những năm tiếp theo, nhất là vấn đề trọng tâm cần triển khai thực hiện ngay.
Theo đó, tỉnh sẽ giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở ngành, gắn với các mốc thời gian thực hiện và sẽ phân công các đồng chí trong Thường trực UBND tỉnh theo dõi chỉ đạo sát sao. Với mục tiêu cụ thể hóa các ý kiến chỉ đạo này vào thực tiễn để trong thời gian tới sớm đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm và hoàn thành chỉ tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD ngay trong năm 2023. Qua đó, tạo được sức hút cũng như khả năng lan tỏa lợi thế so sánh của Bạc Liêu đối với vùng và phạm vi cả nước.
Chanh Đa