Bạc Liêu: Nhân rộng mô hình tạo sinh kế cho người nghèo

Bạc Liêu: Nhân rộng mô hình tạo sinh kế cho người nghèo

Dù còn nhiều khó khăn nhưng Bạc Liêu đã đạt được những kết quả nổi bật trong thực hiện giảm nghèo bền vững. Nếu như năm 2016, tỉnh có 30.855 hộ nghèo (chiếm 15,55%) và 13.951 hộ cận nghèo (chiếm 7,03%) đứng ở mức cao so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2023, giảm còn 7.233 hộ nghèo (chiếm 3,19%) và 12.055 hộ cận nghèo (chiếm 5,32%).

Bạc Liêu: Nhân rộng mô hình tạo sinh kế cho người nghèo ảnh 1Mô hình trồng rau màu trên rẫy giúp cho nhiều hộ gia đình nâng cao thu nhập, thoát nghèo. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Giảm nghèo hiệu quả

Bà Lê Thanh Giang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết, kết quả trên là sự quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có những chỉ đạo kịp thời về hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ủy ban nhân dân tỉnh đưa nội dung vào Kế hoạch để triển khai thực hiện; đồng thời chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan liên quan và địa phương nắm thực trạng, nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ đó, hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản phân công cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và giao trách nhiệm cho các địa phương nhận, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua đó, 4.348 lượt cơ quan, đơn vị, địa phương nhận hỗ trợ, giúp đỡ 41.603 lượt hộ nghèo, với số tiền trên 137 tỷ đồng, 41.050/41.603 hộ được hỗ trợ đã thoát nghèo.

Qua khảo sát, phần lớn hộ nghèo của Bạc Liêu nằm ở tiêu chí thu nhập. Do vậy, việc “trao cần câu” giúp họ có sinh kế ổn định được xem là giải pháp thiết thực nhằm giảm nghèo bền vững. Với việc xác định như vậy, cùng với giải pháp nhận, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn phối hợp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động, tận dụng tiềm năng đất đai, phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, xây dựng mô hình kinh tế đáp ứng thị hiếu thị trường để tăng thu nhập. Từ đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, nhiều trường hợp trở thành hộ khá giả.

Vợ chồng anh Nguyễn Phong Vũ (ấp Rạch Thăng, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu) được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn để cải tạo đất rẫy quanh nhà trồng rau quế. Sau gần 2 tháng, quế bắt đầu cho thu hoạch, hiện nay, mỗi ngày, anh cắt được từ 50 - 200 kg rau quế. Với giá bán từ 17.000 - 20.000 đồng/kg, gia đình anh có thu nhập từ 850.000 - 3,4 triệu đồng. Không chỉ thoát nghèo, gia đình anh Vũ còn có vốn tích lũy, phát triển sản xuất.

Cùng với gia đình anh Vũ, hàng trăm hộ nghèo khác tại Bạc Liêu đã được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ vốn và mô hình sản xuất.

Bên cạnh nhân rộng mô hình tạo sinh kế thực hiện giảm nghèo bền vững, Bạc Liêu triển khai nhiều mô hình khác giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống như: “Hỗ trợ phụ nữ già yếu, neo đơn” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 3 (thành phố Bạc Liêu) được thành lập đầu năm 2023. Mỗi tháng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 3 hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm cần thiết; đồng thời các chị mỗi người một việc, người lau dọn nhà cửa, người nấu ăn, người giúp giặt quần áo cho các cụ già yếu.

Bạc Liêu: Nhân rộng mô hình tạo sinh kế cho người nghèo ảnh 2Mô hình trồng rau má giúp người nghèo xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TTXVN phát

Có thể kể đến những hoạt động, mô hình sẻ chia yêu thương đến với các mảnh đời nghèo khó. Đó là mô hình “Bữa cơm nghĩa tình vì người nghèo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hồng Dân; Tổ “Nhân ái”, nuôi heo đất gây quỹ hỗ trợ phụ nữ khó khăn của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Bạc Liêu; mô hình “Bếp ăn chay 0 đồng”, “Phụ nữ với công tác từ thiện” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Giá Rai; mô hình “Địa chỉ nhân đạo” của Hội Chữ thập đỏ…

Nhân rộng mô hình tạo sinh kế cho người nghèo

Bạc Liêu đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn dưới 1% (năm 2022 giảm 1,5%, năm 2023 giảm 2%, năm 2024 giảm 1%). Khu vực nông thôn có tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%; khu vực thành thị (gồm các phường, thị trấn) giảm còn dưới 1 % hộ nghèo (trừ hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội). Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 1%; không có hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 13 về giảm nghèo bền vững đến năm 2025 với nhiều giải pháp, đặt mục tiêu sử dụng hiệu quả các nguồn lực giảm nghèo bền vững ở giai đoạn mới.

Bạc Liêu: Nhân rộng mô hình tạo sinh kế cho người nghèo ảnh 3Nhờ nguồn vốn đầu tư từ Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình ông Huỳnh Khiêm, xã Vĩnh Phú Đông (Phước Long, Bạc Liêu) đã phát triển mô hình nuôi lươn, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: TTXVN phát

UBND tỉnh chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đến năm 2025 phải tiến hành đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tỉnh xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tỉnh tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình nhằm tạo sinh kế cho người nghèo, cùng với đó là đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đều được nguồn vốn vay khi có nhu cầu vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Đặc biệt, tỉnh tập trung đẩy mạnh truyền thông mục tiêu giảm nghèo sâu rộng trong nhân dân, nhất là người nghèo bằng nhiều hình thức, đa dạng về nội dung nhằm khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên của người nghèo, sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tuấn Kiệt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm