Theo đánh giá, tại Bạc Liêu trong những năm vừa qua, ngành nông nghiệp và thủy sản đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực; tạo việc làm, thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và ổn định chính trị – xã hội song hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế; trong đó, liên kết trong sản xuất là vấn đề nổi cộm, được quan tâm từ nhiều phía. Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Bạc Liêu Nguyễn Thanh Dũng khẳng định, nhu cầu của hợp tác xã sản xuất và doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, cung ứng chưa phù hợp nhau trong chuỗi giá trị trong sản xuất, đôi bên không đặt niềm tin vào nhau và ngày càng kéo dài khoảng cách bởi để đáp ứng nhu cầu trong sản xuất kinh doanh giữa doanh nghiệp và hợp tác xã phải thông qua nhiều khâu trung gian. Chính khâu trung gian ấy đã lấy đi nhiều lợi ích của hợp tác xã và doanh nghiệp. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp và phân bón hóa sinh ông Nguyễn Tấn Quốc (Tp. Hồ Chí Minh) nhận định, tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân phá vỡ hợp đồng diễn ra khá phổ biến với nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Do đó, trong liên kết sản xuất cả doanh nghiệp lẫn người sản xuất cần đảm bảo sự uy tín giữa đôi bên. Người sản xuất cần phải đảm bảo chất lượng sản phẩm và doanh nghiệp đảm bảo giá thị trường, hạn chế khâu trung gian.
Thúc đẩy chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Ông Trịnh Văn Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Cường (Bạc Liêu) cho rằng, niềm tin và uy tín là vấn đề cốt lõi trong sự hợp tác giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Chính vì thế, hiện hợp tác xã đã xây dựng thương hiệu, tạo dựng niềm tin trong việc bao tiêu sản phẩm đầu vào cũng như đầu ra cho người nông dân ở Bạc Liêu với gần 2.200ha trồng lúa, An Giang và Đồng Tháp mỗi tỉnh khoảng 2.000ha. Trong thời gian tới, Hợp tác xã sẽ mở rộng ra một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đánh giá của Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trân An Phú Phan Thị Bảo Trân (Tp. Hồ Chí Minh), hiện nay việc hình thành chuỗi giá trị liên kết được đánh giá có ý nghĩa cấp thiết, được xem là mô hình phù hợp trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và ổn định đầu ra là yếu tố quan trọng để người nông dân an tâm sản xuất. Việc thực hiện có hiệu quả việc cung ứng sản phẩm đầu vào về sản phẩm thú y, thủy sản, công ty đã bước đầu xây dựng được niềm tin cũng như hệ thống sản phẩm đối với bà con nông dân khu vực Tây Nam bộ. Ngoài việc tạo dựng niềm tin, thương hiệu giữa người nông dân và doanh nghiệp, cũng theo các đại biểu, thời gian tới Nhà nước cần có chủ trương, chính sách cụ thể hơn nữa nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân và doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất, cũng như khuyến khích liên kết giữa các nhà khoa học, nhà nước, nông dân với các doanh nghiệp. Hiện Bạc Liêu có 121 hợp tác xã đang hoạt động với gần 30.000 thành viên tham gia; trong đó, 78 hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Khu vực hợp tác xã có hơn 4.000ha đất trồng lúa từ 2 – 3 vụ, hơn 400 ha đất nuôi tôm, bình quân hàng năm sản xuất hơn 44.000 tấn lúa các loại và hơn 110 tấn tôm nguyên liệu.
Nhật Bình