Bạc Liêu khẩn trương khống chế dịch tả lợn châu Phi

Bạc Liêu khẩn trương khống chế dịch tả lợn châu Phi

Hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đang xuất hiện tại nhiều nơi, có nguy cơ lây lan trên diện rộng tại tỉnh Bạc Liêu. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu cho biết, chỉ trong tuần qua đã ghi nhân thêm 6 ổ dịch mới tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình và xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long.

Bạc Liêu khẩn trương khống chế dịch tả lợn châu Phi ảnh 1 Người nuôi lợn ngần ngại tái đàn do dịch bệnh tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Lũy kế tính đến ngày 5/6/2022 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 68 trường hợp hộ chăn nuôi tại 29 ấp, thuộc 10 xã, trên địa bàn huyện Hòa Bình, Hồng Dân, Phước Long và Đông Hải có đàn lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 614 con, tổng trọng lượng 46,8 tấn.

Theo số liệu thống kê, tổng đàn lợn của tỉnh Bạc Liêu hiện ước tính khoảng 200.000 con. Số này giảm đến 50% so với cùng thời điểm của những năm trước. Nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao cộng với khan hiếm nguồn con giống và nhất là tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều hộ nuôi lợn treo chuồng, chưa mạnh dạn tái đàn.

Bà Lê Thị Quyền, hộ chăn nuôi ở xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long cho biết, dù đã chăm sóc rất kỹ, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thực hiện tiêm phòng vaccine các loại bệnh truyền nhiễm theo định kỳ nhưng lợn vẫn mắc bệnh. Sau khi phát hiện lợn bị nhiễm bệnh, bà đã báo cho chính quyền cùng ngành chức năng tiến hành tiêu hủy với số lượng gần 20 con. Với người chăn nuôi, việc lợn bị mắc bệnh, tiêu hủy, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập kinh tế gia đình. Đa phần bà con ít vốn, chăn nuôi với quy mô gia trại số lượng vài chục con, nên khi lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc khôi phục tái đàn. Không ít trường hợp rơi vào cảnh khó khăn nợ nần.

Dưới góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu cho biết, lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi có nhiều triệu chứng và tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thông thường, thời gian lợn ủ bệnh từ 4-19 ngày, ở thể cấp tính ủ bệnh 3-4 ngày. Khi mắc bệnh lợn bỏ ăn, sụt cân, ủ rũ, sốt đột ngột, sốt rất cao 42-43 độ C, vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng xuất huyết có màu sẫm xanh tím, có con có biểu hiện nôn mửa, tiêu chảy, sảy thai, lợn chết nhanh, tỷ lệ chết rất cao (100%).

Ở lợn bị triệu chứng cấp tính, khi mổ khám thấy hạch bạch huyết sưng to, lách đen và sưng to, xuất huyết điểm trên bề mặt khí quản, tụ máu ở gan và túi mật sưng to. Khi lợn bị mãn tính sẽ bị còi cọc, hoại tử da hoặc viêm loét mãn tính. Mổ khám sẽ thấy xuất hiện hoại tử ở phổi, viên cơ tim, viêm khớp.

Hiện nay, thời tiết tại tỉnh Bạc Liêu có những diễn biến khó lường, có nhiều ảnh hưởng bất lợi với nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, khi nền nhiệt trung bình cao, kèm theo mưa rào, lợn rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Trước tình hình như vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo người dân thực hiện biện pháp an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh nghiêm ngặt và tiêm phòng đủ các loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm cho đàn lợn đúng quy định. Thực hiện chăn nuôi theo mô hình chuồng kín, thực hiện nguyên tắc cùng vào cùng ra. Xây dựng hệ thống chuồng nuôi có hàng rào bao quanh, có cổng, đảm bảo độ cao tối thiểu 1,5m và chắc chắn.

Người chăn nuôi phải tiến hành vệ sinh và tiêu độc khử trùng chuồng trại ít nhất 1 lần/tuần. Hạn chế tối đa người ra, vào khu vực chăn nuôi. Kiểm soát chặt chẽ nguồn nước, đảm bảo nguồn nước sạch, đã được xử lý Chlorine khi sử dụng cho chăn nuôi. Thực hiện xử lý phân và nước thải chăn nuôi đúng quy trình, không thải phân và chất thải trực tiếp ra môi trường. Định kỳ diệt vật chủ trung gian truyền bệnh côn trùng, ruồi, muỗi, thường xuyên đặt bẫy diệt chuột, quản lý chó, mèo và các đối tượng vật nuôi tự do khác vì đây là mối nguy hiểm tiềm tàng rất lớn có thể mang virus gây bệnh dịch tả và các bệnh khác vào trại. Không nuôi chung các vật nuôi khác như gà, vịt, lợn rừng cùng khu trại nuôi lợn.

Khi hộ nuôi nghi lợn mắc bệnh, cần phối hợp kịp thời với cơ quan thú y lấy mẫu để xét nghiệm; tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn và các sản phẩm từ lợn của hộ chăn nuôi khi có dịch theo đúng theo quy định. Người nuôi chỉ được tái đàn lại sau 30 ngày tiêu hủy lợn và các sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng chỉ đạo các Trạm Kiểm dịch động vật tăng cường việc kiểm dịch động vật trên cạn, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đảm bảo, đúng quy trình. Tại trạm kiểm dịch động vật đặt ở xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, ông Phan Minh Tâm, Trưởng trạm cho biết, để tăng cường kiểm dịch động vật, lực lượng cán bộ thú y được phân công trực 24/24 giờ. Các xe vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn đều phải dừng lại để phun tiêu độc, khử trùng, kiểm tra giấy tờ liên quan đến nguồn hàng, niêm phong kẹp chì và đóng dấu xác nhận trước khi đi qua địa bàn. Các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định đều xử lý nghiêm.

Cùng với đó, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, cán bộ kiểm dịch đã kết hợp tuyên truyền, phổ biến cho chủ hàng vận chuyển những quy định về lưu thông, vận chuyển gia súc, gia cầm; hướng dẫn các trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh chăn nuôi và chế biến sản phẩm động vật có trách nhiệm đăng ký với cán bộ kiểm dịch về ngày, giờ xuất phát để thực hiện kiểm tra trên cơ sở tờ khai đăng ký thời gian. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh chăn nuôi trong việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào tỉnh.

Tuấn Kiệt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm