Nhà máy sản xuất rượu chuối Tân Dân được tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ về mặt bằng và quảng bá thương hiệu. Ảnh: baobackan.org.vn |
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Số lượng tổ hợp tác, hợp tác xã tăng nhanh với các mô hình phát triển đa dạng, khu vực kinh tế tập thể đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả ngày càng tăng. Một số tổ hợp tác, hợp tác xã đã phát huy nội lực, tranh thủ cơ chế chính sách để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính đến năm 2018, toàn tỉnh có 160 hợp tác xã, trong đó có 118 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Thực hiện đề án của tỉnh và đề án đào tạo cán bộ 3 chức danh trong hợp tác xã của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2003 – 2010, trên địa bàn tỉnh có 120 chủ nhiệm hợp tác xã, 380 kế toán và trưởng ban kiểm soát được đào tạo, bồi dưỡng. Giai đoạn 2011 – 2018, Bắc Kạn đã tổ chức được 72 lớp đào tạo kiến thức về Luật Hợp tác xã năm 2012 và tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã theo đúng quy định pháp luật. Bắc Kạn luôn quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2011 – 2018, tỉnh đã tổ chức 14 lớp tập huấn về marketing; hỗ trợ 54 lượt hợp tác xã tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, hỗ trợ 13 hợp tác xã thiết kế bao bì, kiểu dáng sản phẩm…Nếu giai đoạn 2003 – 2010, có 18 hợp tác xã được hỗ trợ từ chính sách ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới với số vốn 1,02 tỷ đồng, thì giai đoạn 2011 – 2018, toàn tỉnh có 52 hợp tác xã được hỗ trợ trang thiết bị, máy móc với tổng kinh phí 5,2 tỷ đồng… Kết luận hội nghị, ông Lý Thái Hải – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đề nghị các sở, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các ngành, địa phương thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện các đề án, biện pháp hỗ trợ tối đa cho các hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Các địa phương thực hiện lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ hợp tác xã phát triển. Các ngành nâng cao trách nhiệm, tạo điều kiện tốt nhất để các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển… Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tập trung nâng cao năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; đổi mới về tổ chức, quản lý, xây dựng và phát triển hợp tác xã kiểu mới nhằm khắc phục tình trạng yếu kém để hợp tác xã thực sự trở thành cầu nối giữa người sản xuất và nhà khoa học, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Vũ Hoàng Giang