Ông Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu. Ảnh: Tùng Lâm - TTXVN |
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng, hoạt động du lịch của tỉnh còn một số hạn chế. Trong đó, kế hoạch phát triển du lịch còn chậm, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; các sản phẩm du lịch, dịch vụ còn nghèo nàn; kinh phí dành cho hoạt động du lịch còn hạn chế; chưa thu hút được nhà đầu tư có tiềm năng cho phát triển du lịch. Tỉnh cũng chưa đánh thức được tiềm năng du lịch cộng đồng, làng nghề, sinh thái; chưa có sự kết nối trong việc quảng bá, xúc tiến, giới thiệu các sản phẩm du lịch...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đề nghị thời gian tới các ngành, huyện, thành phố tiếp tục hoàn thiện đề án, đề xuất với UBND tỉnh có chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch; chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch, điểm du lịch tại địa phương; tại khu du lịch thiết kế xây dựng biểu tượng du lịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để thu hút đầu tư phát triển du lịch. Bên cạnh đó, các ngành, đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện tốt việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử đã xuống cấp, nâng cấp cơ sở vật chất, cảnh quan tại các khu di tích lịch sử văn hóa để phục vụ phát triển du lịch. Các địa phương cần phối hợp thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho nhân dân nơi có dự án du lịch; chỉ đạo thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Tùng Lâm - TTXVN |
Hàng tháng, Ban Chỉ đạo tổ chức đi kiểm tra thực tế tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn để có chỉ đạo kịp thời, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương; từ đó thu hút ngày càng đông khách du lịch trong và ngoài nước đến với Bắc Giang.
Theo ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho rằng dù địa phương có rất nhiều lợi thế về du lịch tâm linh cũng như du lịch văn hóa nhưng chưa thể phát huy được hết tiềm năng. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đường xá đi lại chưa thuận tiện, cách xa các tuyến giao thông chính. Chẳng hạn như làng cổ Thổ Hà tại Việt Yên là một địa điểm du lịch ấn tượng, tuy nhiên không thu hút được khách du lịch bởi đường vào làng nhỏ, hẹp, các xe ô tô từ 16 chỗ trở lên rất khó lưu thông.
Ông Dương Ngọc Chiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang có ý kiến riêng về việc phát triển du lịch làng nghề. Theo ông, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều làng nghề nổi tiếng như mỳ Chũ, bánh đa Kế, bánh đa và bánh đa nem Thổ Hà, rượu làng Vân... Để phát triển được du lịch tại những làng nghề này cần đặc biệt quan tâm xử lý triệt để các vấn đề về vệ sinh môi trường.
Năm 2017, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được tổ chức theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Hoạt động du lịch tại các khu, điểm ngày càng được đầu tư hoàn thiện. Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, văn hóa, lễ hội truyền thống và các sản phẩm du lịch đã góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, quảng bá thu hút khách du lịch đến Bắc Giang.
Bên cạnh đó, công tác đầu tư phát triển một số khu, điểm du lịch trọng điểm được tỉnh quan tâm như: Dự án khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử đến nay cơ bản hoàn thành giai đoạn 1; Đề án phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2014-2020. Thành phố Bắc Giang lập quy hoạch và thu hút đầu tư hạ tầng kho bãi, trung tâm logictics quốc tế tại xã Song Khê. Huyện Yên Thế xây dựng Đề án phát triển khu du lịch tâm linh, sinh thái Xuân Lung – Thác Ngà. Huyện Yên Dũng xây dựng đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm gắn với phát triển du lịch đến năm 2020...
Năm 2017, khách du lịch đến tỉnh đạt 1,2 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt trên 7.000 lượt), doanh thu đạt 750 tỷ đồng./.
Tùng Lâm
TTXVN