Bắc Giang quan tâm đầu tư, nâng cao đời sống người dân vùng miền núi và dân tộc

Dự án cải tạo nâng cấp đường trục xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế (Bắc Giang) mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Danh Lam - TTXVN
Dự án cải tạo nâng cấp đường trục xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế (Bắc Giang) mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, từ nay đến năm 2025, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của địa phương.

Bắc Giang quan tâm đầu tư, nâng cao đời sống người dân vùng miền núi và dân tộc ảnh 1 Dự án cải tạo nâng cấp đường trục xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế (Bắc Giang) mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Bắc Giang tiếp tục hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và mức sống cho người dân, gắn với nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo bền vững; bảo vệ phát triển rừng và môi trường, sinh thái vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Tỉnh huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư hỗ trợ nhân dân xây dựng 148 ngầm tràn, đường tránh lũ, cầu qua suối vào các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Tỉnh xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, hệ thống kênh mương tưới tiêu, công trình nước sạch sinh hoạt tập trung, đáp ứng cơ bản nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt của người dân; tập trung hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, bảo đảm công tác định canh, định cư và giảm nghèo bền vững cho người dân vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Thời gian tới, Bắc Giang tập trung cho vay tín dụng và hỗ trợ phát triển sản xuất đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; khuyến khích và hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thương mại, dịch vụ và du lịch…theo chuỗi giá trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, các vùng này thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển vùng nguyên liệu, chế biến thức ăn và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ; tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế lâm nghiệp, sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng; đẩy mạnh trồng rừng thâm canh trên các diện tích rừng kinh tế; kiên quyết chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy và hủy hoại đất rừng…

Bên cạnh đó, Bắc Giang tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chính sách, giải pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những sai phạm theo quy định của pháp luật…

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Giang có địa bàn rộng, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Các dự án, chính sách dân tộc đã được triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua nhưng mức đầu tư còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu.

Chín tháng năm 2021, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan công tác dân tộc các huyện tham mưu cho Ban Chỉ đạo huyện thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn vùng dân thiểu số và miền núi; tăng cường phát huy vai trò hiệu quả của đội ngũ người có uy tín trong tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tuân thủ hướng dẫn, chỉ đạo của Ban chỉ đạo các cấp về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 3/6/2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 367/QĐ-UBDT phê duyệt kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch COVD-19 cho 166 trường hợp F0 là người dân tộc thiểu số của tỉnh Bắc Giang; tổng số kinh phí là 332 triệu đồng, định mức hỗ trợ 2 triệu đồng/trường hợp. Sau khi nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ của Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh đã khẩn trương làm các thủ tục giải ngân hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng thông qua tài khoản cá nhân tại các ngân hàng.

Thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 của HĐND tỉnh Bắc Giang về Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019 - 2021, trong năm 2021, tổng vốn thực hiện chính sách này là 18 tỷ đồng, giao cho các xã làm chủ đầu tư, đầu tư xây dựng 13 công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn 12 thôn, bản. Đến nay, 10 công trình đã được khởi công xây dựng, trong đó 4 công trình đã hoàn thành 100% khối lượng, 6 công trình đạt trên 60% khối lượng…; nhờ đó, đã góp phần cải thiện, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa; giúp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống người dân các thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh.

Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã tham mưu đề xuất xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình ngầm, cầu dân sinh trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022- 2025. Theo đó, trong giai đoạn này, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng 65 công trình ngầm dân sinh, 8 công trình cầu dân sinh, với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng. Đến nay, các thủ tục theo quy định đã thực hiện xong và dự kiến sẽ trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp tháng 12/2021…

Việt Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm