Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang Lê Bá Thành, thời gian tới tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp phát triển làng nghề, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn ở tỉnh.
Tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực làng nghề trên địa bàn; chú trọng tuyên truyền về các làng nghề trong hoạt động sản xuất nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề. Cùng đó, tỉnh tăng cường tập huấn cho trưởng thôn, bản, Bí thư Chi bộ thôn và các cơ sở sản xuất tại các làng nghề về bảo vệ môi trường...
Thời gian tới, Bắc Giang định hướng đào tạo nghề, chuyển nghề phù hợp cho lao động nông thôn để nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề cho các lao động làm việc trong các làng nghề làm ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường để tồn tại và phát triển.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả đề án "Chương trình Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; trong đó, lựa chọn sản phẩm, ý tưởng sản phẩm mới, tư vấn, hướng dẫn đăng ký sản phẩm, đánh giá xếp loại sản phẩm OCOP... Tỉnh ưu tiên lựa chọn các sản phẩm làng nghề truyền thống để đầu tư phát triển.
Tỉnh Bắc Giang thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án trong việc phát triển các làng nghề trên địa bàn; ưu tiên dành quỹ đất để quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề, tạo điều kiện giải quyết mặt bằng, địa điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm...
Từ đó, di dời các cơ sở trong làng nghề có nhu cầu mở rộng sản xuất vào hoạt động trong cụm công nghiệp, tránh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, nhất là đối với một số lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: sản xuất mỳ gạo, làm mộc, nấu rượu…
Đối với các làng nghề hiện nay không hoạt động do không còn phù hợp với thực tế phát triển của xã hội, các địa phương có định hướng tuyên truyền cho các làng nghề chuyển nghề, du nhập nghề mới hoặc giải thể, thu hồi giấy chứng nhận làng nghề.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển làng nghề, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, tỉnh Bắc Giang đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành “Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030”. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hội chợ các sản phẩm làng nghề, tạo điều kiện cho các địa phương quảng bá sản phẩm của địa phương mình đến với người tiêu dùng trong cả nước…
Tỉnh Bắc Giang hiện có 34 làng nghề đạt tiêu chí; trong đó, có 12 làng nghề truyền thống và 22 làng nghề. Trong số này hiện có 26 làng nghề đang hoạt động. Tổng số lao động của các làng nghề ở tỉnh Bắc Giang năm 2020 là 5.935 lao động. Doanh thu từ các làng nghề đạt trên 550 tỷ đồng (năm 2020).
Một số làng nghề duy trì phát triển mạnh như: làng nghề mỳ Chũ, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn; làng nghề sản xuất mỳ gạo Châu Sơn, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên; làng nghề sản xuất bún, bánh Đa Mai, phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang; làng nghề mộc Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang; làng nghề rượu Làng Vân, xã Vân Hà, huyện Việt Yên...
Tuy nhiên, còn có một số làng nghề hoạt động nhỏ, lẻ, cầm chừng như: làng nghề Gai Bún, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang; làng nghề Dệt thổ cẩm, làng nghề Giấy gió, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam…
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 8 làng nghề thời điểm hiện nay không còn hoạt động gồm: làng nghề vận tải đường sông Nguyệt Đức, xã Vân Hà, huyện Việt Yên; 7 làng nghề làm vôi, cay sỉ thuộc xã Hương Vỹ, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế.
Về thu nhập của các lao động trong các làng nghề, nghề mây tre đan có mức thu nhập bình quân từ 1-3 triệu đồng/lao động/tháng; nghề sản xuất mỳ gạo có mức thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/lao động/tháng; nghề mộc có mức thu nhập bình quân từ 4,5-8 triệu đồng/lao động/tháng...
Có 14 sản phẩm làng nghề của tỉnh Bắc Giang được cấp giấy chứng nhận sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Một số sản phẩm làng nghề của tỉnh Bắc Giang đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý như: sản phẩm Mỳ gạo của làng nghề Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn; sản phẩm Rượu làng Vân của làng nghề Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên; sản phẩm Bánh đa của làng nghề Sau, phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang...
Thị trường tiêu thụ các sản phẩm làng nghề của tỉnh Bắc Giang chủ yếu ở trong nước, một số ít sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc…
Việt Hùng