Bắc Giang nâng hạng sản phẩm OCOP

Dây chuyền đóng hộp vải thiều xuất khẩu tại Công ty CP XNK thực phẩm Toàn Cầu. Ảnh: Danh Lam - TTXVN
Dây chuyền đóng hộp vải thiều xuất khẩu tại Công ty CP XNK thực phẩm Toàn Cầu. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, thời gian tới tỉnh quan tâm đầu tư, phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP của địa phương.

Bắc Giang định hướng triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn đến năm 2030, duy trì, củng cố và nâng cấp 95 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao năm 2019-2020; đưa Chương trình đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Tỉnh tiếp tục củng cố kiện toàn doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thực hiện Chương trình OCOP; phát triển, tiêu chuẩn hóa tối thiểu 25-30 sản phẩm/năm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.

Bắc Giang nâng hạng sản phẩm OCOP ảnh 1Dây chuyền sơ chế, chế biến vải thiều xuất khẩu tại Công ty CP XNK thực phẩm Toàn Cầu. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có khoảng 350-400 sản phẩm OCOP; trong đó, có khoảng 3-5 sản phẩm 5 sao; 50-60 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Bắc Giang phát triển thêm 2-3 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia, sản phẩm đạt 90-100 điểm, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Từ nay đến năm 2030 Bắc Giang đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng; triển khai thực hiện từ 1-3 mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng tại các khu du lịch sinh thái Khe Rỗ, du lịch Tây Yên Tử, huyện Sơn Động; khu du lịch sinh thái suối Mỡ, huyện Lục Nam; khu du lịch sinh thái Xuân Lung Thác Ngà, huyện Yên Thế… Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, giúp các chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ, tìm kiếm nhà phân phối, mở rộng thị trường.

Ngoài ra, Bắc Giang tiếp tục xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn các huyện, thành phố; tập trung kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP, đặc biệt là sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm; thu hồi giấy chứng nhận đối với các sản phẩm OCOP không đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Bá Thành cho biết thêm, để phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP của địa phương, thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh chú trọng tuyên truyền người chăn nuôi địa phương tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, giữ ổn định đàn lợn, tăng hợp lý đàn gà đảm bảo cung ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, Bắc Giang tập trung cao cho phòng, chống dịch bệnh động vật; khống chế không để dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát; có giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy việc tái đàn lợn. Các chủ trang trại, hộ chăn nuôi tăng cường chế biến phối trộn nguyên liệu có sẵn, thay thế một phần thức ăn công nghiệp để giảm giá thành chăn nuôi, duy trì sản xuất.

Ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường tham mưu chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, tăng chăn nuôi quy mô trang trại an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, liên kết chuỗi khép kín giúp giảm chi phí, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, ổn định sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, ngành tích cực tuyên truyền người dân, nhất là các hộ gia đình có đất để trồng rừng kinh tế, các cơ sở sản xuất chế biến lâm sản các quy định của Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp; thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở chế biến lâm sản vi phạm…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, năm 2022 tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP làm hai đợt để phù hợp với tính chất các sản phẩm. Theo đó, đã có 31 sản phẩm đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2022 của tỉnh; trong đó, 26 sản phẩm tham gia mới và 5 sản phẩm thực hiện đánh giá lại hoặc nâng hạng sao do hết thời gian công nhận.

Bắc Giang nâng hạng sản phẩm OCOP ảnh 2Dây chuyền đóng hộp vải thiều xuất khẩu tại Công ty CP XNK thực phẩm Toàn Cầu. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Theo kết quả đánh giá, phân hạng của Hội đồng OCOP cấp tỉnh, trong tổng số 31 sản phẩm tham gia phân hạng OCOP đợt 1 của Bắc Giang có 30 sản phẩm đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Sản phẩm đạt từ 70 đến dưới 90 điểm (tương đương 4 sao) có 8 sản phẩm; trong đó có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt OCOP 5 sao là sản phẩm vải thiều Lục Ngạn của Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân; sản phẩm đạt từ 50 đến dưới 70 điểm (tương đương 3 sao) có 22 sản phẩm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang đã hoàn thiện thủ tục hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công nhận 30 sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2022.

Như vậy, cùng với các sản phẩm OCOP đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận và số sản phẩm được công nhận đợt 1 năm 2022, đến hết tháng 8/2022 tỉnh Bắc Giang có 180 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có 1 sản phẩm tiềm năng tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao cấp quốc gia; 43 sản phẩm 4 sao và 141 sản phẩm 3 sao. Bắc Giang nằm trong nhóm dẫn đầu các tỉnh, thành phố trên cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.

Việt Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm