Lễ cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Thế Anh -TTXVN |
Một số nền kinh tế thành viên APEC đã tham gia trưng bày 18 gian hàng với nhiều sản phẩm chủ yếu là các loại nông sản đặc trưng của từng nền kinh tế thành viên APEC như: trà xanh (Nhật Bản), ngũ cốc (Australia), sữa (Hoa Kỳ). Nền kinh tế Việt Nam tham gia 8 gian hàng gồm các sản phẩm từ gạo, ngô; giống trái cây cao sản; mô hình máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; thông tin về những công nghệ thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu đang được sử dụng tại Việt Nam.
Đại biểu của các nền kinh tế tham quan tại triển lãm. Ảnh: Vũ Sinh -TTXVN |
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết, với mục tiêu chung hướng đến một nền nông nghiệp sinh thái bền vững, Triển lãm là dịp để các nền kinh tế thành viên APEC giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường quan hệ hợp tác nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất nông sản, đáp ứng nhu cầu về an ninh lương thực và dinh dưỡng.
Đại biểu của các nền kinh tế tham quan tại triển lãm. Ảnh: Vũ Sinh -TTXVN |
Đại biểu tham quan gian hàng của Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN |
Đại biểu tìm hiểu mô hình canh tác lúa của Việt Nam. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN |
Đại biểu tham quan gian hàng Nhật Bản. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN |
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, với diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 80%, thời gian qua, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giúp định hướng nông dân sản xuất theo hướng bền vững, ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng, cải thiện thu nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, đối với cây lúa, chính quyền và người dân miền Tây Nam Bộ luôn tích cực áp dụng nhiều công nghệ, mô hình canh tác nhằm đưa các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm như: kỹ thuật thay đổi cơ cấu giống chất lượng cao, phương pháp sử dụng nước hợp lý và tiết kiệm, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP..., giúp sản lượng lúa hàng năm đạt trên 25 triệu tấn. Ngoài ra, vùng còn chú trọng phát triển các mô hình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa thủy sản. Đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có thêm nhiều diện tích nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế./.
Hồng Giang
TTXVN