Thu hoạch cà phê. (Ảnh: Lê Hữu Quyết/TTXVN) |
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê đứng hàng thứ hai trên thế giới, sau Brazil và là nước đứng đầu về xuất khẩu cà phê vối.
Việt Nam là một trong những nước có năng suất cà phê cao nhất thế giới, bình quân đạt từ 2,3 đến 2,5 tấn cà phê nhân/ha, cao gấp 3 lần bình quân của thế giới.
Để đạt được những thành tựu trên, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, trong đó có những kỹ thuật độc đáo chỉ có ở Việt Nam như kỹ thuật trồng âm, tạo bồn để giữ nước tưới và chống xói mòn đất…
Áp dụng tiến bộ kỹ thuật là then chốt
Trong nghề trồng cà phê, vấn đề tạo hình được xem như một biện pháp kỹ thuật bắt buộc với mục đích tạo cho cây cà phê có bộ tán cân đối, khai thác triệt để không gian riêng có của mỗi cây, tạo sự cân bằng giữa sinh trưởng, ra hoa và đậu quả, đồng thời, ổn định được sản lượng của vườn cây.
Có hai hệ thống tạo hình cà phê chính là tạo hình đa thân không hãm ngọn và tạo hình đơn thân, cây được hãm ngọn.
Do đặc thù riêng, nhất là vùng Tây Nguyên, phần lớn cà phê vối ở các tỉnh Tây Nguyên được tạo hình đơn thân có hãm ngọn.
Đây là sáng tạo độc đáo của nghề trồng cà phê ở Tây Nguyên vì tất cả diện tích cà phê vối ở trên thế giới đều áp dụng kỹ thuật tạo hình đa thân do đặc điểm của loại cây này có ít cành thứ cấp.
Tuy nhiên, ở Tây Nguyên trong điều kiện có tưới nước vào mùa khô, cây cà phê vối lại có khả năng phát sinh nhiều cành thứ cấp (cấp 2, cấp 3…) cho phép áp dụng có hiệu quả kỹ thuật tạo hình đơn thân.
Khi được tạo hình đơn thân, cây cà phê được hãm ngọn ở độ cao khoảng 2 mét, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, cắt cành, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch.
Ở Tây Nguyên, bắt đầu xuất hiện một số mô hình trồng cây che bóng, trồng xen cây lâu năm trong vườn cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng thuần trên từng đơn vị diện tích và hiện nay, các mô hình này đang được nhân rộng.
Việc đa dạng hóa cây trồng còn giúp cho các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê tránh bớt những rủi ro về biến động giá cả, sâu bệnh hại…
Theo tiến sỹ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, giống luôn là yếu tố kỹ thuật quan trọng hàng đầu, tạo ra bước đột phá trong việc tăng năng suất, phẩm chất cây trồng cũng như các đặc tính chống chịu sâu bệnh.
Từ năm 2000 trở về trước, hầu hết diện tích cà phê của Việt Nam đều trồng bằng hạt, trong đó, phần lớn là người nông dân tự chọn giống là chính. Do trồng bằng hạt không qua quy trình chọn lọc, tỷ lệ cây cho năng suất thấp, hạt bé, bị nhiễm bệnh gỉ sắt trong vườn khá cao, trung bình từ 5 đến 10%.
Những năm gần đây, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã lai tạo, tuyển chọn thành công 16 giống cà phê mới phục vụ tốt yêu cầu phát triển cà phê bền vững.
Các giống cà phê mới này không những cho năng suất cao, đạt từ 4,5 đến 7 tấn cà phê nhân/ha, kháng cao với bệnh gỉ sắt, mà còn có kích cỡ hạt được cải thiện.
Hàng năm, Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã cung ứng cho các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê trên 30 tấn hạt giống lai đa dòng, trên 1 triệu cây giống, 200.000 chồi ghép từ các giống chọn lọc để đáp ứng yêu cầu trồng mới hoặc trồng tái canh từ 20.000 ha trở lên bằng các giống cà phê mới này.
Đi đôi với việc lai tạo thành công các loại giống mới, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã có nhiều công trình nghiên cứu về phân bón cho cây cà phê. Trên cơ sở đó, Viện đã khuyến cáo, hướng dẫn cho các nông hộ, các doanh nghiệp kỹ thuật bón phân cân đối dựa vào độ phì của đất và năng suất cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm 10% chi phí phân bón.
Khác với các vùng chuyên canh cà phê trên thế giới, mùa khô ở Tây Nguyên kéo dài từ 5 đến 6 tháng, bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, cây cà phê sẽ không có sản phẩm cho thu hoạch nếu không được tưới nước.
Tưới nước đã trở thành biện pháp mang tính quyết định đến năng suất cà phê ở Tây Nguyên và các nông hộ có khuynh hướng sử dụng lượng nước tưới quá cao so với nhu cầu của cây cà phê.
Qua các nghiên cứu, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã khuyến cáo các nông hộ, các doanh nghiệp chỉ cần tưới 390 lít nước/gốc, với chu kỳ 22 đến 24 ngày/lần tưới nếu chu kỳ tưới là 30 ngày, lượng nước tưới tương đương 530 lít/gốc vẫn đạt năng suất bình quân 3,5 tấn cà phê nhân/ha, giảm gần 50% lượng nước tưới so với trước đây.
Viện còn hướng dẫn các nông hộ, các doanh nghiệp áp dụng phương pháp tưới gốc (tưới dí), tưới phun mưa và gần đây là triển khai kỹ thuật tưới tiết kiệm nước bằng hình thức tưới nhỏ giọt, hạn chế tưới tràn (vì hình thức tưới tràn gây nên xói nòn, rửa trôi dinh dưỡng, lây lan dịch bệnh…).
Ngành cà phê cả nước bắt đầu nhân rộng việc sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận như 4C, UTZ Certified, Liên minh rừng mưa (Rainforest Alliance Certified) đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cà phê nhân, đồng thời, thu hoạch, chế biến theo đúng quy trình để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê nhân của Việt Nam.
Trồng tái canh cơ hội chuyển đổi giống cà phê mới
Theo Đề án tái canh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2014-2020 là khoảng 120.000ha, trong đó, trồng tái canh 90.000ha và ghép cải tạo 30.000ha.
Theo quy trình tái canh cà phê vối, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã khuyến cáo các nông hộ, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu chặt bỏ cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh đến khâu khai hoang, rà rễ, thu gom rễ nhằm loại bỏ nguồn dịch hại trên đồng ruộng, luân canh với các loại cây trồng khác ít nhất 2 năm sau khi nhổ bỏ vườn cà phê già cỗi, sử dụng các giống mới cà phê đã được công nhận để đưa vào trồng.
Theo tiến sỹ Lê Ngọc Báu, cho đến nay có thể khẳng định, nếu tuân thủ quy trình, phần lớn diện tích cà phê tái canh đều thành công và có hiệu quả kinh tếcao, với năng suất bình quân 4 đến 5 tấn cà phê nhân/ha, cao hơn vườn cà phê già cỗi từ 1,5 đến 2 tấn cà phê nhân/ha.
Trồng tái canh cà phê được xác định là cơ hội để các nông hộ, các doanh nghiệp chuyển đổi giống mới và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê trên thị trường thế giới.
Để phát triển bền vững ngành hàng cà phê
Tiến sỹ Lê Ngọc Báu cho biết, ngành cà phê Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, với sản lượng cao, chiếm khoảng 18% thị phần trên thế giới, năng suất cà phê Việt Nam cao nhất thế giới (gấp 3 lần năng suất bình quân thế giới), góp phần hạ giá thành sản phẩm và có sức cạnh tranh cao.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững ngành cà phê, Việt Nam cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các nông hộ riêng lẻ và liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp.
Thực tế, liên kết giữa các nông hộ riêng lẻ để tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận dễ dàng hơn với tín dụng, tiến bộ kỹ thuật và tiết kiệm chi phí đầu vào, nhất là việc bảo vệ sản phẩm vào mùa thu hoạch.
Chỉ có liên kết giữa các nông hộ sản xuất cà phê nhỏ lẻ mới bảo vệ được sản phẩm trên đồng ruộng, góp phần tạo điều kiện để cải thiện một cách cơ bản và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê trên thị trường thế giới.
Các địa phương, các ngành chức năng đổi mới, tăng cường hoạt động khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động khuyến nông và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để gia tăng nguồn lực.
Các địa phương vùng trong điểm cà phê của cả nước tiếp tục mở rộng các chương trình sản xuất cà phê bền vững có xác nhận, chứng nhận, đồng thời, quản lý có hiệu quả giống cà phê nhằm phục vụ tốt yêu cầu chương trình tái canh góp phần phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam.