Mô hình tưới tiết kiệm - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Kết quả nghiên cứu và thực tế áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho một số cây chủ lực có lợi thế và có thị trường như cà phê, hồ tiêu, thanh long, mía ở Việt Nam đã cho thấy rằng, áp dụng công nghệ này kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20-50% và tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%.
Về mặt môi trường, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước sẽ giảm ô nhiễm môi trường nhờ sử dụng hợp lý và tiết kiệm phân bón, hạn chế suy thoái tài nguyên nước ngầm do khai thác quá ngưỡng cho phép ở các vùng nguồn nước khan hiếm như Tây Nguyên.
Một lợi thế quan trọng nữa, đó là áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước có thể tạo ra phương thức sản xuất nông nghiệp mới trên những vùng đất dốc, vùng đất hoang hóa và nhờ đó mở ra những cơ hội mới cho sản xuất, xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ rừng và phát triển bền vững.
Hiện đã có một số mô hình thực tiễn đem lại hiệu quả cao và ấn tượng như mô hình tưới chuối ở Lào Cai, mô hình tưới rau, củ, quả trên đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh, mô hình tưới hồ tiêu, cà phê ở Tây Nguyên, mô hình tưới rau, hoa ở Lâm Đồng, mô hình Khu nông nghiệp công nghệ cao Unifarm ở Bình Dương, mô hình tưới cây ăn quả ở Đồng Nai…
Dưới tác động của biến đổi khí hậu và trong điều kiện hạn hán, cạn kiệt nguồn nước như hiện nay thì giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là yêu cầu cấp bách cần phải đẩy mạnh áp dụng.
Từ kết quả trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định ban hành kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn phục vụ tái cơ cấu ngành thủy lợi, với mục tiêu cụ thể đến năm 2017 có 200.000ha, năm 2020 có 500.000ha cây trồng cạn chủ lực được tưới bằng công nghệ, kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm nâng cao năng suất, giảm lượng nước tưới và tăng thu nhập của nông dân.