Anh Lê Ngọc Đạt (bên trái) thu hoạch dưa lưới Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN |
Sinh ra trong một gia đình nghèo, từ nhỏ anh Đạt luôn rèn cho mình ý chí tự lực vươn lên. Năm 2008, thi đỗ vào Đại học Nông nghiệp Hà Nội, anh luôn cố gắng học tập, thời gian rảnh anh cùng các thầy cô giáo tham gia nghiên cứu, lai tạo nhiều loại giống nhằm nâng cao năng suất, tăng khả năng phòng chống sâu bệnh của cây trồng.
Năm 2010, nhận thấy nhu cầu chơi hoa phong lan ngày càng nhiều, anh Đạt đã liên hệ Viện Nghiên cứu rau quả, nhập loại cây này về trồng rồi sau đó bán lại người chơi hoa. Nhờ đó, thời gian còn lại của đời sinh viên, Đạt có thể tự lo cho mình mà không cần trợ cấp của gia đình.
Sau khi tốt nghiệp ra trường, Lê Ngọc Đạt quyết định về quê lập nghiệp bởi anh nhận thấy người dân ở quê sản xuất nông nghiệp truyền thống không đạt hiệu quả cao, nhiều loại thực phẩm nông nghiệp trên thị trường phải nhập khẩu từ Trung Quốc có chất bảo quản gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, cần có một cơ sở chuyên sản xuất giống, hàng hóa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân.
Anh Đạt đã vay mượn anh em, bạn bè với số tiền 50 triệu đồng để đấu thầu đất, sau đó dùng số vốn mình tích góp từ thời sinh viên để mua giống cây. Năm 2015, anh Đạt chính thức xây dựng hệ thống nhà màng kính nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích 3.000 m2. Đến 2016, anh mở mở rộng lên 7.000 m2. Anh thuê nhân công xây lắp hệ thống nhà màng phủ nilong, công nghệ tưới nhỏ giọt Israel, điều hòa không khí để trồng các cây dưa lưới Nhật Bản, đậu tương giống, rau màu, diện tích còn lại sản xuất hàng nông sản xuất khẩu.
Để mô hình phát triển ổn định hơn, anh đã tự đi tìm hiểu thị trường, liên hệ với các siêu thị để giới thiệu sản phẩm, mời khách hàng đến tham quan mô hình. Bên cạnh đó, anh còn đăng ký với Trung tâm giám định chất lượng VINACERT và Chi cục đo lường chất lượng Thanh Hóa để kiểm định cấp chứng nhận đảm bảo đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Xây nhà màng kính trồng dưa tốn kém nhưng chủ động được việc chăm sóc, cách ly sâu bệnh gây hại, đảm bảo được chất lượng, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các loại giống cây như ngô, đậu tương, bí đỏ được chăm sóc tốt trong nhà màng kính nên phát triển tốt.
Anh Lê Ngọc Đạt (bên phải) kiểm tra tốc độ sinh trưởng của vườn cây. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN |
Bằng sự kiên trì, chịu khó, mô hình nông nghiệp công nghệ cao của anh đã mang lại hiệu quả cao. Thực phẩm sạch của cơ sở anh được bán ở các siêu thị, khách sạn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các sản phẩm ngô, đậu tương, bí đỏ được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Anh đã thành lập Công ty cổ phần Great Farm để cung cấp các loại giống cây trồng, sản xuất, xuất khẩu hàng hóa ra nhiều nơi. Diện tích cơ sở kinh doanh của anh được mở rộng 11 ha bao gồm 6 ha đậu tương, 2 ha ngô ngọt, 2 ha bí đỏ, 1 ha trang trại sản xuất giống để cung cấp giống cây trồng vụ đông.
Không những làm kinh tế giỏi, trên cương vị là Bí thư Chi đoàn 4, anh Đạt luôn chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao để đoàn viên thanh niên có thể học hỏi để sau này áp dụng khởi nghiệp.
Anh Đỗ Văn Hưng, Bí thư Đoàn xã Xuân Khánh cho biết, anh Đạt là bí thư chi đoàn tiêu biểu của xã. Tại các cuộc họp của chi đoàn và của Đoàn xã, anh luôn nêu các vấn đề, các mô hình phát triển kinh tế mới có hiệu quả cao để cùng trao đổi, bàn các giải pháp để thực hiện tại địa phương. Anh Đạt cũng thường xuyên tặng quà, giúp đỡ người nghèo trong xã mỗi khi Tết đến.
Nhờ những thành tích trong phát triển kinh tế và công tác đoàn, anh Đạt đã nhận được Bằng khen của Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn. Đặc biệt, năm 2017, anh Đạt đã được vinh dự được đại diện cho thanh niên xứ Thanh nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng.
Nguyễn Nam