Đối với người Việt Nam, Tết cổ truyền là nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc. Tết được người Việt cung đón theo các lễ nghi rất đa dạng, tùy theo phong tục địa phương và sức ảnh hưởng của tôn giáo. Nhưng nhìn chung, ngoài các nét văn hóa dân gian, hình thức đón Tết của người Việt còn phản ánh văn hóa Phật giáo. Nói cách khác, tín ngưỡng Phật giáo có nhiều ảnh hưởng trong đời sống và thể hiện trong cách đón Tết của người Việt.
Qua hơn 2000 năm hiện diện trên đất nước Việt Nam, đồng hành cùng dân tộc, đạo Phật trở thành một tôn giáo của dân tộc. Đạo Phật từng bước hóa thân, hòa nhập vào đời sống tinh thần của người Việt, trở thành nguồn gốc của một số giá trị văn hóa, thông qua việc cải biến nội dung giáo lý, niềm tin tín ngưỡng, hình thức tổ chức.
Theo phong tục Việt Nam, Tết cổ truyền là lễ hội quan trọng nhất, phổ biến nhất, được chuẩn bị chu đáo nhất và có thời gian dài nhất. Bước vào tháng Chạp, tức tháng 12 âm lịch, không khí chuẩn bị Tết đã bắt đầu và có khi kéo dài đến hết tháng Giêng. Trong dịp lễ đặc biệt này, không chỉ có các phật tử, nhiều người Việt vẫn duy trì nhiều tục lệ, thói quen theo tín ngưỡng của đạo Phật.
Trước hết, sau thời khắc giao thừa, các phật tử cũng như người dân thường lựa chọn chùa làm nơi đầu tiên để đến cầu nguyện, mong bình an và những điều may mắn cho bản thân và gia đình. Họ tin rằng Phật và các Bồ tát là những bậc siêu phàm, luôn từ bi thương xót chúng sinh và sẽ phù hộ họ khi họ thành tâm cầu nguyện. Thiết thực hơn, lễ chùa đầu năm là cơ hội quý báu để mỗi người trải nghiệm tâm linh, hòa mình vào không khí thiêng liêng đầu năm ở chốn thiền môn thanh tịnh, giúp tâm hồn con người thấy nhẹ nhàng, thư thái.
Người Việt cũng thường có tâm lý xin “lộc chùa” mang về, gọi là lộc đầu năm may mắn. Tập tục “hái lộc” trước đây diễn ra ở đình và chùa, nhưng hiện nay hầu như chỉ ở chùa. Các chùa ngày xưa thường có nhiều cây lớn với cành lá sum suê nên việc hái lộc ít ảnh hưởng đến sự phát triển của cây và môi trường. Ngày nay, người dân cũng thay đổi thói quen bằng cách hoan hỷ nhận những “lộc chùa” khác được nhà chùa chuẩn bị mang tính biểu tượng, như cành hoa, tấm thiệp ghi câu Phật dạy, bao lì xì nhỏ, túi bánh kẹo… Dù hình thức đã thay đổi nhưng ý nghĩa của nó vẫn là bày tỏ niềm hy vọng có được phúc lộc và may mắn từ nơi linh thiêng mang về nhà trong năm mới.
Một trong những ảnh hưởng nổi bật nhất của tín ngưỡng Phật giáo trong cách đón Tết của người Việt Nam là hoạt động cầu an đầu năm. Bên cạnh việc lễ Phật đầu năm, nhiều người còn nhờ nhà chùa làm lễ cầu an. Phong tục này thường diễn ra từ mùng 4 đến Rằm tháng Giêng.
Những năm gần đây, người Việt có thêm một phong tục ngày càng phổ biến là “hành hương thập tự”. Qua ngày mùng 1 Tết, nhà chùa hoặc các đơn vị tổ chức cho phật tử và nhân dân đi thăm viếng, lễ Phật và cúng dường các chùa, tạo cơ hội cho phật tử gieo duyên, làm phước đầu năm theo đúng tinh thần nhân quả. Ngoài ra, một số chùa và các thiền viện cũng mở các khóa tu đầu năm cho những người muốn tận dụng kỳ nghỉ để tu học Phật pháp, tìm hiểủ Phật học, từ đó mà tu tâm dưỡng tính và cầu nguyện bình an…
Có thể thấy cách đón Tết của người Việt phong phú và chịu ảnh hưởng văn hóa tôn giáo. Phật giáo khi truyền vào Việt Nam đã tiếp biến văn hóa bản địa và dung hòa với các loại tín ngưỡng khác, đồng hành cùng dân tộc qua nhiều thăng trầm của lịch sử và được nhân dân tin tưởng. Những phong tục, tín ngưỡng nơi cửa Phật đã góp phần làm phong phú và tô điểm thêm nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán.
Thu Hạnh