Ngày 7/12, tại Đền Thái tổ Trần Thừa, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định) đã diễn ra Lễ cung rước, chiêm bái và an vị Tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông dịp tưởng niệm 712 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn.
Ông Trần Mạnh Lưu, Chủ tịch Ban Chấp hành họ Trần tỉnh Nam Định cho biết: Đại lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn với sự kiện Cung rước, chiêm bái và an vị Tôn tượng Phật hoàng là dịp con cháu họ Trần tại tỉnh Nam Định nói riêng và trong cả nước nói chung tri ân công lao và sự nghiệp vĩ đại của Phật hoàng Trần Nhân Tông; không ngừng học tập, phát huy tinh thần nhập thế “đạo gắn với đời” của Phật hoàng để cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng thịnh vượng.
Tôn tượng Phật Hoàng được cung rước trong dịp này làm bằng gốm đỏ Luy Lâu, ở tư thế ngồi, cao 2,2m, thể hiện hình ảnh đức vua Trần Nhân Tông cởi bỏ hoàng bào bên suối, quy Phật. Bức tượng được Nghệ nhân, họa sĩ Nguyễn Đăng Vông hoàn thành sau nhiều tháng lao động nghệ thuật công phu tác tạo.
Hành trình cung rước và an vị Tôn tượng Phật hoàng trải dài gần 2.000 km, từ Nam Định vào Tiền Giang với nhiều hoạt động lễ, hội được tổ chức từ ngày 6 - 20/12. Trong lễ khởi hành cung rước, an vị, các đại biểu và tăng ni, phật tử đã làm lễ dâng hương cúng vua và các vị tiền hiền nhà Trần tại Đền Thái tổ Trần Thừa ở xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
Sau lễ khởi rước, Tôn tượng Phật hoàng sẽ được rước qua các địa phương và an vị để nhân dân chiêm bái ngày 20/12 theo nghi thức Phật giáo tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). Lễ đặt đá xây dựng Quần thể không gian Thiền sư Việt tại Thiền viện được tổ chức cùng ngày.
Đức vua Trần Nhân Tông là vị hoàng đế anh minh, nhà tư tưởng vĩ đại, đồng thời là nhà tu hành giác ngộ ở cảnh giới cao. Cách đây hơn 700 năm, vào tháng 8 năm Kỷ Hợi 1299, hoàng đế Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh, lấy đạo hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà, đánh dấu sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Giáo lý Phật Hoàng nổi bật tinh thần nhập thế, gắn đạo với đời, đậm nét dân tộc và là một thành tố văn hóa Việt; ngời sáng tâm thế lấy lợi ích dân tộc và chúng sinh làm căn bản, tu hành và giác ngộ ngay giữa trần tục. Thiền Trúc Lâm là sự kết hợp nhuần nhuyễn triết học siêu nhiên Phật giáo với nhân sinh quan Nho giáo và vũ trụ quan Lão giáo. Thiền phái này không phân biệt tu sĩ ở chùa và cư sĩ tại gia, việc tu tập nhằm khơi tính Phật trong tâm..
Công Luật