Anh Hồ Đắc Vĩnh thành công từ mô hình nuôi dế thương phẩm

Sản phẩm dế sấy của trại dế Oanh Vĩnh được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Thanh Tân – TTXVN
Sản phẩm dế sấy của trại dế Oanh Vĩnh được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Thanh Tân – TTXVN

Ngày cận kề Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, chúng tôi tìm đến nhà anh Hồ Đắc Vĩnh, chủ trại dế Oanh Vĩnh, ấp 7, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh để tìm hiểu thực hư về sản phẩm dế sấy đang được nhiều người săn lùng để làm quà biếu Tết độc, lạ, đậm chất quê. Cuối tháng 12/2021, sản phẩm dế sấy bơ tỏi ăn liền của trại dế Oanh Vĩnh là 1/24 sản phẩm được tỉnh Tây Ninh bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021.

Anh Hồ Đắc Vĩnh thành công từ mô hình nuôi dế thương phẩm ảnh 1Trang trại nuôi dế của ông Hồ Đắc Vĩnh. Ảnh: Thanh Tân – TTXVN

Bén duyên với nghề nuôi dế

Khi đến địa phận xã Suối Dây, hỏi thăm đường đến trại dế Oanh Vĩnh, người dân nơi đây ai cũng tỏ ra khá tận tường, bởi anh Hồ Đắc Vĩnh đã được bà con biết đến từ nhiều năm nay với nghề nuôi dế thương phẩm và cũng đã đặt cho anh biệt danh là “Vĩnh dế”.

Cơ sở nuôi dế của anh Vĩnh cũng đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân địa phương, cũng như thanh niên khắp nơi muốn lập nghiệp tìm đến học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, muốn làm giàu từ con dế.

Nói về cơ duyên với nghề nuôi dế, anh Hồ Đắc Vĩnh cho biết, anh vốn sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, biên giới huyện Tân Châu (Tây Ninh) nên đã không lạ lẫm gì với các loài dế sống ngoài đồng, ngoài ruộng. Anh Vĩnh nhớ lại, lúc nhỏ anh thường cùng anh em, bạn bè chung xóm ra ruộng đào hang, bắt dế để về đá dế hay chế biến các món ăn ngon dân dã từ dế, đó là những ký ức không thể nào quên đối với anh.

Sau khi lớn lên, cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật của nông nghiệp, người dân bắt đầu sử dụng nhiều loại thuốc hóa học, thuốc trừ sâu khiến con dế trong tự nhiên ngày một ít đi; trong khi nhu cầu thực phẩm từ các loại côn trùng như ve sầu, dế, bò cạp, rết... ngày càng tăng; nên năm 2004, anh quyết định nghỉ làm cán bộ công an xã ở địa phương để chuyên tâm thử sức với nghề nuôi dế thương phẩm.

Anh Hồ Đắc Vĩnh thành công từ mô hình nuôi dế thương phẩm ảnh 2Sản phẩm dế sấy đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Thanh Tân – TTXVN

Theo anh Vĩnh, thời điểm anh bắt đầu nuôi dế, hầu như khắp cả nước chưa có mô hình này, mặc dù đi khắp nơi, thậm chí tìm đến các nhà khoa học nhưng anh vẫn không tìm đâu ra cuốn sách nào dạy cách nuôi dế.

Để biết được tập tính cách ăn, uống, môi trường sống của dế, suốt nhiều tháng liền anh buộc phải nuôi thử nghiệm trước khi nhân rộng mô hình của mình.

Chia sẻ kinh nghiệm, anh Vĩnh cho hay đặc trưng chung của các loại dế là dễ nuôi, đẻ nhanh, trung bình một con dế mái đẻ được khoảng 400 trứng cho một chu kỳ sinh sản kéo dài 22 ngày. Dế con từ khi mới nở đến lúc xuất thịt là 45 ngày, còn dế nuôi đẻ là 75 ngày.

Anh Hồ Đắc Vĩnh thành công từ mô hình nuôi dế thương phẩm ảnh 3Dế phát triển tốt trong môi trường nuôi tại trang trại. Ảnh: Thanh Tân – TTXVN

Anh Vĩnh nhớ lại, sau vài tháng khởi nghiệp, đàn dế của anh đã có số lượng hàng trăm ngàn con, tưởng chừng đã thành công với nghề nuôi dế thương phẩm. Thế nhưng, chẳng ai ngờ, đàn dế bỗng nhiên lăn ra chết sạch không rõ nguyên nhân. Nhìn dế chết, anh dường như chết lặng, ý định khởi nghiệp nghề nuôi dế gần như tiêu tan, khi anh lâm vào cảnh nợ nần do thua lỗ từ đàn dế đã chết.

Tuy nhiên, cái duyên với con dế của Vĩnh vẫn chưa lụi tàn, trong một lần tình cờ, đến nhà bạn ở Gia Lai, thì thấy người bạn này cũng đang nuôi dế, nhưng theo chia sẻ thì đã nuôi nhiều năm nhưng chưa từng bị dế chết bất thường như vậy; qua tìm hiểu, anh Vĩnh đã ngộ ra rằng dế chết hàng loạt là do môi trường sống khác với tự nhiên. Dế sống ở tự nhiên thưa hơn nên khi đem về nuôi trong chậu, chật chội, ngột ngạt, thức ăn cũng chỉ một loại duy nhất là lá sắn nên thiếu chất, sức đề kháng yếu.

Với 1 khay trứng dế mượn từ người bạn, anh làm lại từ đầu. Theo đó, sau khi tách đàn dế nuôi riêng từng loại, mật độ thưa hơn, thức ăn cũng có liều lượng, đa dạng các loại rau, cỏ… đặc biệt dùng những vỉ giấy đựng trứng gà để kê làm tổ cho dế, tạo môi trường giống tự nhiên, đàn dế bắt đầu ổn định và lớn nhanh.

Đến nay, diện tích trại nuôi dế của anh Vĩnh và bà con nuôi dế gia công cho anh rộng trên 500 m2, với hơn 100 thùng dế các loại (ước tính khoảng 2,5 triệu con dế), mỗi thùng dế đến thời điểm bán khoảng 12 kg tùy vào điều kiện thời tiết, với giá 140 nghìn đồng/kg. Sau khi chế biến thành sản phẩm thành các loại như dế sấy, bột dế phân phối ra thị trường, Cơ sở trại dế Oanh Vĩnh cho thu nhập từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng/tháng.

Sản phẩm OCOP 3 sao

Theo anh Vĩnh, để nuôi dế thành công là một câu chuyện, xây dựng được thương hiệu dế như ngày hôm nay cũng cả một quá trình. Lần đầu anh đến chào bán cho các nhà hàng, quán ăn ai cũng tỏ ra kinh ngạc và từ chối thẳng, bởi một số người biết dế có thể ăn được nhưng dế thuộc lớp côn trùng nên nhiều người vẫn không mấy thiện chí với món ăn từ dế.

Anh Hồ Đắc Vĩnh thành công từ mô hình nuôi dế thương phẩm ảnh 4Sản phẩm dế sấy của trại dế Oanh Vĩnh được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Thanh Tân – TTXVN

Với quyết tâm, kèm theo sự kiên nhẫn, không ngại gian khó, anh Vĩnh đã mượn bếp của nhà hàng, xoán tay áo tự tay chế biến các món ăn từ dế để đầu bếp và các chủ nhà hàng thưởng thức trước khi quyết định thêm dế vào thực đơn nhà hàng của họ.

Thực đơn chế biến từ dế của anh rất đa dạng gồm: dế chiên giòn, dế kho tiêu, dế xào sả ớt, dế chiên bột, bánh xéo dế... Món nào cũng thơm ngon và lạ miệng nên được các nhà hàng chấp nhận. Vừa bán dế, vừa hướng dẫn họ cách chế biến. Sau gần hai năm, món dế đã trở thành đặc sản của nhiều nhà hàng trong và ngoài tỉnh.

“Nhờ đáp ứng đúng tiêu chí ngon - sạch - bổ, món dế, nhất là dế xào sả ớt đã trở thành đặc sản có mặt ở nhiều quán nhậu, nhà hàng sang trọng. Chính mùi thơm riêng biệt cùng vị béo giòn khi ăn, đã đưa món dế trở thành món ăn được ưa chuộng nhất trong thực đơn các món về côn trùng”, anh Vĩnh chia sẻ.

Đặc biệt, ngoài xuất dế tươi, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, anh còn mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, lò sấy để sản xuất dế thành phẩm như dế sấy sả ớt ăn liền, dế sấy bơ tỏi ăn liền, bột dế... Hiện các sản phẩm này đã được công nhận OCOP 3 sao và có mặt tại một số siêu thị trên cả nước.

Anh Hồ Đắc Vĩnh thành công từ mô hình nuôi dế thương phẩm ảnh 5Trang trại nuôi dế của ông Hồ Đắc Vĩnh. Ảnh: Thanh Tân – TTXVN

Khi đã có chỗ đứng trên thị trường, anh Vĩnh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con trong vùng góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Ông Nguyễn Thành Sơn, 67 tuổi, ngụ ấp 7, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cho hay, cách đây 2 năm ông làm nghề cạo mũ cao su, tuy nhiên do lớn tuổi công việc không còn phù hợp, nên quyết định kiếm công việc khác để mưu sinh. Ông đã tìm hiểu và được biết trại dế Oanh Vĩnh ở địa phương có triển khai hợp đồng bao tiêu thu mua dế theo giá cố định, nên đã mạnh dạng đầu tư 8 chuồng nuôi dế với chi phí đầu tư ban đầu 20 triệu đồng (dựng chuồng trại theo mô hình phủ tăng bạt).

“Nuôi dế này rất nhàn, thoải mái, chủ yếu sáng đi bẻ lá sắn để cho dế ăn. Mỗi tháng 1 chuồng tôi thu lãi từ 800.000 đến 1 triệu đồng. Cụ thể, giá thu mua cố định dế sữa là 33.000 đồng/kg, dế trứng 38.000 đồng/kg dế hơi, mỗi chuồng cho ra từ 35 kg đến 40 kg dế hơi. Tính ra ở tuổi như tôi, mỗi tháng lãi bình quân từ 5 đến 8 triệu đồng là nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo được cuộc sống”, ông Nguyễn Thành Sơn trải lòng.

Anh Hồ Đắc Vĩnh thành công từ mô hình nuôi dế thương phẩm ảnh 6Dế sinh sản phát triển tốt trong môi trường nuôi tại trang trại. Ảnh: Thanh Tân – TTXVN

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, thì hiện nay người dân có xu hướng sử dụng các loại đạm từ động vật, từ côn trùng nói chung và con dế nói riêng, vì loại đạm này tương đối lành mạnh. Ngoài ra, con dế còn có thể làm thức ăn cho chim cảnh, hay thức ăn chăn nuôi khác. Tuy nhiên, đối với con dế khi đưa ra bàn ăn một số người vẫn không thấy thiện cảm, nên cơ sở này họ đã sáng tạo, làm sạch con dế, sau đó đông lạnh lại bảo quản, sấy khô hoặc chế biến thành bột đã kéo dài được thời gian bảo quản và đem đi xa hơn.

Ngoài ra, việc cơ sở không tổ chức nuôi tập trung 1 chổ mà hợp tác cho nuôi phân tán với các hộ dân (đảm bảo được công tác phòng dịch bệnh trên dế và vệ sinh môi trường), kèm theo thức ăn cho dế ở nông thôn rất dễ kiếm, đặc biệt Tây Ninh được mệnh danh là thủ phủ của cây sắn, loại cây mà con dế rất thích ăn, sinh trưởng tốt.

“Rơi vào vùng nông nghiệp có nhiều thức ăn cho dế, lại có đầu mối tiêu thụ đầu ra, thì người dân sẽ yên tâm hợp tác; chúng tôi cũng đã cho kiểm tra chất lượng sản phẩm và đánh giá về quy trình, cơ bản tất cả điều đạt và đã cấp chứng nhận OCOP cho sản phẩm này; với chứng nhận này, cùng với các chứng nhận khác tôi tin vào trong thời gian tới con dế của Tây Ninh sẽ đi nhiều nơi ở trong nước, kể cả ra nước ngoài để phục vụ nhu cầu ẩm thực người dân, cũng như tạo thêm công ăn việc làm, tạo thêm thu nhập cho người dân nông thôn”, ông Nguyễn Đình Xuân nhận định thêm.

Anh Hồ Đắc Vĩnh thành công từ mô hình nuôi dế thương phẩm ảnh 7Ông Hồ Đắc Vĩnh, chủ trại dế Oanh Vĩnh đóng gói dế sấy. Ảnh: Thanh Tân – TTXVN

Cuối tháng 12/2021, sản phẩm dế sấy bơ tỏi ăn liền của trại dế Oanh Vĩnh là 1/24 sản phẩm được tỉnh Tây Ninh bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021, các sản phẩm còn lại đang hoàn thiện hồ sơ nâng cấp từ 3 sao lên 4 sao OCOP. Có thể khẳng định nghề nuôi dế đang trở thành phong trào phát triển mạnh ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần đa sinh kế cho người dân.

Phạm Thanh Tân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm