Tỉnh An Giang phấn đấu năm 2023 Chỉ số năng lực cạnh cấp tỉnh (PCI) trong nhóm 15 tỉnh, thành phố cả nước. Trong đó, các nội dung cải cách hành chính được tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2023, An Giang tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính ở các lĩnh vực trọng tâm gồm: Cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số theo tinh thần Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 3037/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Xác định mục tiêu cải cách hành chính trong năm 2023, An Giang phấn đấu tối thiểu 85% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên.
Tỉnh phấn đấu 95% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 85% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 75% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Song song đó, An Giang đặt mục tiêu có 90% hồ sơ công việc tại tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Năm 2023, An Giang đặt mục tiêu giảm tối thiểu bình quân 1,2% biên chế công chức và 2% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2022. Tỉnh cũng phấn đấu đưa Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công (PAPI) nằm trong nhóm 20/63 tỉnh, thành phố của cả nước; Chỉ số PCI nằm trong nhóm 15/63 tỉnh, thành của cả nước. Đồng thời, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số đo lường sự hài lòng người dân về sự phục vụ hành chính (SIPAS) nằm trong nhóm 20/63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Thời gian qua, An Giang luôn xác định sự thành công của doanh nghiệp là thước đo cho sự thành công của tỉnh, lấy cải cách hành chính làm khâu đột phá, lấy công tác tiếp xúc, hỗ trợ doanh nghiệp tại chỗ làm hạt nhân để tạo sự chuyển biến rõ nét và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đang tập trung xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định. Đồng thời, tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính nhanh chóng, chính xác, đảm bảo thời gian theo quy định.
Tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, cung cấp dịch vụ công và thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, gắn số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính hướng tới việc giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Thời gian tới, tỉnh tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính nhà nước, trọng tâm là thể chế về tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển.
Năm 2021, Chỉ số PCI tỉnh An Giang đạt 66,48 điểm, tăng 1,76 điểm, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 2 bậc so với năm 2020 và thuộc nhóm điều hành "khá". So với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang đứng thứ 4/13, tăng 2 bậc so với năm 2020; sau Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An và xếp trên Bến Tre, Vĩnh Long, Cà Mau, Tiền Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang.
Thời gian qua, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh An Giang không ngừng được cải thiện, Chỉ số PCI của tỉnh trong 5 năm 2016-2021 liên tiếp tăng điểm, tăng hạng, nhưng chưa nhanh, chưa vững chắc và chưa đạt như mức kỳ vọng… Chỉ số PCI là một trong những chỉ số tham khảo rất quan trọng và khách quan nhất để phản ánh về chất lượng điều hành và thực thi công vụ của bộ máy hành chính các cấp. Đặc biệt là mức độ hài lòng của doanh nghiệp về năng lực quản lý và điều hành của các quan nhà nước trên từng lĩnh vực thông qua từng chỉ số thành phần.
Thanh Sang