An Giang biểu dương gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập tiêu biểu. Ảnh : Võ Thanh Sang - TTXVN |
Theo Hội Khuyến học tỉnh An Giang, thời gian qua, tỉnh An Giang đã đẩy mạnh vận động, thuyết phục các hộ gia đình nâng cao ý thức học tập, quyết tâm vượt khó cho con em đến trường, không bỏ học giữa chừng và học tập đến nơi đến chốn. Song song đó, việc đánh giá, công nhận danh hiệu gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập được tỉnh lồng ghép với phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới. Qua đó, phong trào xây dựng mô hình học tập trên địa bàn tỉnh không chỉ có ý nghĩa trong cộng đồng, xã hội mà còn gắn kết chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường và xã hội trong việc theo dõi, giúp đỡ và giáo dục con em của mỗi gia đình, dòng họ nâng cao ý thức học tập. Hiệu quả của phong trào xây dựng mô hình học tập tại An Giang đã tạo nền tảng, cơ sở vững chắc để xây dựng xã hội học tập. Ông Đặng Hoài Dũng, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh An Giang cho biết: Tính đến ngày 20/12/2019, 100% các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; có 24/126 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Đối với việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày, An Giang hiện đạt 99,57% và 100% huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập mầm non và giáo dục tiểu học. Nhiều năm qua, cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng học tập trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và Hội Khuyến học tỉnh quan tâm phát động rộng rãi, được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng thực hiện, góp phần xây dựng môi trường học tập rộng khắp trên địa bàn tỉnh An Giang. An Giang đã công nhận 426 dòng họ học tập, các dòng họ học tập phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, động viên, khuyến khích các thành viên trong dòng họ quan tâm chăm lo, nuôi dạy con, cháu trong gia đình học hành đến nơi, đến chốn và thành đạt trong cuộc sống. Qua đó, xuất hiện nhiều chi hội khuyến học dòng họ với những hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực như: Chi hội khuyến học dòng họ Phan Thanh Quang (huyện Phú Tân) với mô hình “Kết nối dòng họ, vun đắp hiền tài, phát triển tương lai”, đã gắn kết việc phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ với việc chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng; Chi hội khuyến học dòng họ Võ Trọng Đãi (huyện Chợ Mới), Nguyễn Như Lân (thành phố Long Xuyên), có 4 thế hệ ông, cha, con, cháu học tập thành danh và đều trở thành những người có vị trí trong xã hội… Tỉnh An Giang hiện cũng có hơn 242.000 gia đình học tập; các gia đình này đã phấn đấu vượt qua mọi trở lực, nghèo khổ trong cuộc sống để tạo điều kiện tốt nhất cho con, cháu đến trường để trở thành những người có trình độ, có việc làm ổn định sau khi học ra trường. Tại Đại hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng yêu cầu, thời gian tới Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học gắn liền với xây dựng ấp, gia đình văn hóa, nhất là chú trọng phát triển phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, góp phần gắn kết được 3 môi trường giáo dục là gia đình, nhà trường và xã hội, đáp ứng nhu cầu của giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời của cộng đồng. “Hội Khuyến học tỉnh tập trung phối hợp với các ngành, các cấp kịp thời khen thưởng, biểu dương các gương điển hình trong phong trào khuyến học; chú trọng phát triển phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ học tập sâu rộng trong quần chúng nhân dân; củng cố, xây dựng quỹ khuyến học, mở rộng các hình thức học tập khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, để mỗi gia đình, dòng họ cùng chung tay xây dựng xã hội học tập…”, ông Lê Văn Nưng nhấn mạnh. Nhân dịp này, UBND tỉnh An Giang đã tuyên dương, tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho 11 dòng họ, 32 gia đình và 1 đơn vị học tập có thành tích trong phong trào khuyến học, khuyến tài.
Thanh Sang