A Lưới (Thừa Thiên - Huế) là huyện vùng cao có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với trải nghiệm văn hóa. Để phát huy tiềm năng này, huyện đã đẩy mạnh khai thác những giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng…
Nằm cách thành phố Huế khoảng 70 km, A Lưới là huyện biên giới giáp nước bạn Lào. Toàn huyện có 17 xã, 1 thị trấn với nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó có các dân tộc chính như: Tà Ôi, Cơ-tu, Kinh… Mỗi dân tộc có một nét văn hóa truyền thống độc đáo, mang đặc trưng riêng, tạo nên bản sắc cho vùng đất này.
Với hệ thống giao thông thuận lợi, du khách có thể dễ dàng đến với các xã, bản làng xa xôi để khám phá nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc Cơ-tu.
Người Cơ-tu ở huyện A Lưới sống tập trung tại các xã Hồng Hạ, Hương Nguyên, Lâm Đớt, một số ít ở các xã Hồng Thượng, Phú Vinh. Đến với A Lưới, du khách có dịp tham quan, trải nghiệm nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: khu du lịch sinh thái suối Pârle, khu du lịch suối nước nóng A Roàng, làng du lịch A Nôr... cùng những chương trình ẩm thực, biểu diễn văn hóa đặc sắc. Đặc biệt, người Cơ-tu nơi đây còn sở hữu kho tàng văn hóa truyền thống phong phú với hơn 10 lễ hội, nổi bật nhất là lễ hội Tấc Ka Coong - lễ hội cúng Thần Núi.
Mùa hè là thời điểm nhiều du khách đến với huyện A Lưới. Anh Nguyễn Văn Hiếu, du khách đến từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, ngoài lộ trình tham quan Đại Nội và lăng tẩm ở thành phố Huế, gia đình anh quyết định đến với vùng cao A Lưới. Chuyến đi của gia đình anh Hiếu đúng dịp huyện A Lưới tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền núi. Bởi vậy, gia đình anh Hiếu có dịp đi chợ phiên khám phá những món ăn đặc sản, đồ thủ công mỹ nghệ…; hòa mình vào không khí lễ hội Tấc Ka Coong cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đầy thú vị và hấp dẫn.
Bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện A Lưới được đẩy mạnh khai thác. Hiện nay, mỗi địa phương, mỗi dân tộc trên địa bàn huyện đều xây dựng được các sản phẩm du lịch trải nghiệm phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc và có sự khác biệt. Từ đó, đã từng bước xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, vùng đất và con người A Lưới.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A Lưới cho biết, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Phòng Văn hóa Thông tin phối hợp với các già làng, trưởng bản, người có uy tín để tìm hiểu, phục dựng lại các nghi lễ xưa. Thời gian tới, huyện A Lưới tiếp tục chú trọng công tác khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với truyền dạy cho thế hệ trẻ, đồng thời đưa vào biểu diễn tại các điểm du lịch để quảng bá, phục vụ du khách.
Đỗ Trưởng