TS Kingdong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam phát biểu. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Thời gian qua, các kết quả phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam đã được ghi nhận. Tỷ lệ người nhiễm HIV liên tục giảm trong vòng 10 năm trở lại đây. Ước tính, Việt Nam đã tránh được cho khoảng 400 ngàn người không bị nhiễm HIV, 150 ngàn người không tử vong do AIDS. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam cũng có nhiều khó khăn, tình hình dịch HIV có giảm nhưng chưa ổn định, có khả năng quay trở lại nếu không có các giải pháp tích cực hơn nữa. Bên cạnh đó, các nguồn hỗ trợ cho phòng chống HIV/AIDS giảm dần, các nguồn ngân sách trong nước đang gặp khó khăn. Mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đang phấn dấu đạt cũng còn nhiều thách thức. Việt Nam hiện đang chuyển đổi, sử dụng các nguồn tài chính trong nước khác thay thế khi các nguồn viện trợ giảm dần. Một trong các nội dung chuyển đổi là vấn đề điều trị thuốc ARV, sử dụng bảo hiểm y tế trong điều trị HIV/AIDS. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt hành động: Tăng cường thông tin, giáo dục truyền thông; chỉ đạo các địa phương kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; mở rộng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV; đấu thầu thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế; ký hợp đồng cung ứng thuốc; hướng dẫn cơ sở lập kế hoạch tiếp nhận thuốc, quản lý, sử dụng thuốc; hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV bảo hiểm y tế; quản lý thông tin bệnh nhân điều trị ARV; … Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh: Tỷ lệ bệnh nhân HIV có thẻ bảo hiểm y tế của Việt Nam hiện là 89%. Đây là bước tiến lớn trong dự phòng điều trị HIV, tuy nhiên vẫn còn 10% bệnh nhân chưa có thẻ. Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ sở dự liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân điều trị ARV. Ấn tượng với sự quan tâm của Quốc hội Việt Nam tới sự bền vững của chương trình HIV/AIDS thông qua việc củng cố chương trình HIV trong hệ thống y tế, ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam chúc mừng Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt trong đó phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, người nhiễm HIV được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, người nhiễm HIV được tham gia bảo hiểm y tế. Ông Kidong Park tin tưởng rằng hiện nay đang là giai đoạn rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu của chương trình HIV, là cơ hội tốt để tăng cường chương trình HIV trong hệ thống y tế nhằm đạt được mục tiêu quốc gia kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Để tất cả những người nhiễm HIV có thể tiếp cận dịch vụ y tế mà không gặp khó khăn về tài chính, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam gợi ý: Việt Nam nên tăng cường hệ thống quản lý ARV sử dụng nguồn bảo hiểm để không bị gián đoạn nguồn cung ứng ARV; đảm bảo tất cả những người nhiễm HIV có thể tiếp cận với dịch vụ, điều trị không chỉ với HIV mà còn cả các bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây nhiễm khác; cần có nguồn lực từ chính phủ, địa phương để hỗ trợ người nhiễm HIV nhưng không thể đăng ký bảo hiểm y tế; huy động các nguồn lực khác cho hoạt động can thiệp dự phòng. Hội thảo cập nhật tình hình chuẩn bị triển khai điều trị ARV qua nguồn quỹ bảo hiểm y tế; phổ biến Thông tư số 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế và khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến HIV/AIDS; dự thảo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn thực hiện Thông tư 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến HIV/AIDS; hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về thanh toán thuốc ARV nguồn quỹ bảo hiểm y tế và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế . Các đại biểu cùng trao đổi thảo luận về các nội dung: Tiếp cận khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV; thanh toán thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế; các tình huống cần xử lý trong thực tế; lập kế tiếp nhận thuốc ARV hàng quý nguồn bảo hiểm y tế; tiếp nhận, quản lý, sử dụng, thanh toán thuốc ARV nguồn quỹ bảo hiểm y tế năm 2019; quản lý thông tin bệnh nhân điều trị ARV nguồn bảo hiểm y tế. Dịp này, các cơ sở điều trị HIV/AIDS được hướng dẫn lập kế hoạch tiếp nhận thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế quý I/2019; tiếp nhận, quản lý, sử dụng thuốc ARV nguồn quỹ bảo hiểm y tế năm 2019; quy trình thanh toán thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV của bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế; quản lý thông tin bệnh nhân điều trị ARV nguồn bảo hiểm y tế.
Mỹ Bình