Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có trên 17.800 hội viên Hội Cựu chiến binh. Sau khi rời quân ngũ, trở về địa phương, các cựu chiến binh đã nỗ lực học tập, lao động, trở thành những tấm gương điển hình, xứng đáng Bộ đội Cụ Hồ. Không ít cựu chiến binh đã phát triển các mô hình kinh tế, làm giàu, trở thành “đầu tàu” trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, tạo công ăn, việc làm cho bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Những tấm gương làm giàu điển hình
Ông Nguyễn Tri Sáu sinh năm 1970 tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ vào Sư đoàn 31, Quân đoàn 3 khi vừa tròn 18 tuổi. Sau khi hoàn thành huấn luyện, đơn vị chuyển vào Tây Nguyên, ông và các đồng đội lại khăn gói lên đường, đóng quân tại khu vực thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà ngày nay.
Xuất ngũ vào năm 1991, ông không về quê mà quyết định lập nghiệp tại Tây Nguyên.Thời điểm đó, khu vực Đăk Hà khá ít dân, xung quanh chủ yếu là rừng và nông trường cà phê Đăk Uy 1. Đối mặt với những cơn sốt rét rừng và không ít lần “chạm mặt” lực lượng phản động Fulro, song với tinh thần, ý chí của người lính, ông đã vượt qua tất cả những khó khăn ấy để vươn lên, làm giàu.
Nhận thấy khu vực huyện Đăk Hà có tiềm năng đất đai rộng lớn, màu mỡ, phù hợp với cây cà phê, ông đã tự tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi cách thức trồng và chăm sóc loại cây công nghiệp có giá trị cao này. Khi đã thành công, ông Nguyễn Tri Sáu tiếp tục hướng đến thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để chuyên nghiệp hóa và xây dựng chuỗi liên kết, sản xuất bền vững cho bà con nông dân trồng cà phê trên địa bàn.
Năm 2012, Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung được thành lập, với ngành nghề kinh doanh chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp, do ông Nguyễn Tri Sáu làm giám đốc. Qua từng năm, đơn vị đã mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cà phê như công nghệ tưới tiết kiệm hay công nghệ ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê,… Từ việc chỉ có 7 thành viên vào năm 2016, đến nay, hợp tác xã đã có 113 thành viên, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại chỗ. Tổng doanh thu của đơn vị cũng không ngừng nâng lên, từ khoảng 1,6 tỷ vào năm 2016 lên trên 16 tỷ đồng vào năm 2020.
“Hiện nay, hợp tác xã đã có sản phẩm cà phê đặc biệt Sáu Nhung đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Đơn vị cũng định hướng tiếp tục nghiên cứu, chế biến sâu, chế biến tinh các sản phẩm cà phê để nâng cao giá trị cà phê, góp phần đưa cà phê chất lượng cao đến với người tiêu dùng trong cả nước và hướng đến xuất khẩu”, cựu chiến binh Nguyễn Tri Sáu chia sẻ.
Còn đối với cựu chiến binh Phạm Văn Luốn (sinh năm 1970, trú xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), việc trở thành một nông dân nuôi trồng thủy sản có tiếng tại địa phương đến với ông như một cơ duyên. Viết đơn nhập ngũ năm 1990, vào Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, đóng quân tại khu vực thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà ngày nay. Sau khi xuất ngũ năm 1992, không giống người đồng đội Nguyễn Tri Sáu, cựu chiến binh Phạm Văn Luốn chọn việc nuôi trồng thủy sản để hiện thực hóa giấc mơ làm giàu.
Ban đầu, ông chỉ nuôi trồng nhỏ lẻ để tích lũy kinh nghiệm. Sau đó, ông quyết định mở rộng quy mô, thuê thêm các diện tích ao, hồ, đập thủy lợi để nuôi trồng. Đến nay, tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của ông đã lên đến 30 ha, với khoảng 50 lồng, bè nuôi các loại cá như diêu hồng, rô phi, trắm, chép, mè,… Mỗi mùa thu hoạch, ông thu về không dưới 450 tấn cá các loại, tổng thu nhập trên 13 tỷ đồng.
“Trong hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lợi nhuận có giảm sút. Tuy nhiên, tôi vẫn duy trì việc làm ổn định cho 20 lao động thường xuyên, một số là con em các cựu chiến binh, một số là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Tôi cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản của mình cho các cựu chiến binh và bà con nhân dân trên địa bàn”, ông Phạm Văn Luốn cho biết thêm.
Cống hiến thầm lặng cho xã hội
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Kon Tum có 12 doanh nghiệp, 8 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác, 655 trang trại, 102 hộ kinh doanh dịch vụ do các cựu chiến binh làm chủ. Qua đó, tạo việc làm cho trên 2.600 lao động có nguồn thu nhập ổn định.
Bà Phạm Thị Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đánh giá, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, hạn chế tái nghèo, xóa nhà dột nát, nhà tạm cho gia đình các hội viên Hội Cựu chiến binh của huyện. Cụ thể, từ năm 2016 – 2021, phong trào đã xóa 128/230 hộ nghèo, 13/119 hộ cận nghèo, xóa được 20 nhà dột nát, tạm bợ.
Bên cạnh đó, thực hiện phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới”, các hộ gia đình cựu chiến binh đã tự nguyện tham gia đóng góp hơn 6 tỷ đồng, 8.500 ngày công lao động, hiến trên 9.000 m2 đất và các tài sản trên đất để phục vụ cho việc xây kết cấu hạ tầng. Các cựu chiến binh có kinh tế khá giả như ông Nguyễn Tri Sáu, Phạm Văn Luốn đã trở thành “đầu tàu”, hỗ trợ, hướng dẫn các cựu chiến binh khác và bà con nông dân trên địa bàn phát triển kinh tế.
Điển hình là mô hình nuôi bò ở thôn Kon Jong, xã Ngọc Réo. Tại đây, các thành viên Chi hội Cựu chiến binh thôn đã cùng nhau đóng góp được tổng số tiền 17 triệu đồng để mua ba con bò. Số bò trên được giao cho các hộ cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn nuôi. Qua 4 năm, đàn bò đã phát triển lên 13 con, giúp cho các hộ nuôi dần phát triển kinh tế, giảm gánh nặng hộ nghèo, cận nghèo cho địa phương.
“Sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các cán bộ Hội Cựu chiến binh đã tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng tổ chức hội vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, xã hội của địa phương. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do các cựu chiến binh làm chủ không chỉ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, mà còn đóng góp lớn cho sự phát triển chung của huyện”, bà Phạm Thị Thương khẳng định.
Ông Trần Đình Thị, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu chiến binh tỉnh Kon Tum cho biết, bên cạnh làm kinh tế giỏi, nhiều cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh đã tham gia tích cực vào các phong trào, các chương trình phối hợp, các cuộc vận động của địa phương, cơ quan, đơn vị như các phong trào “Hiến kế, hiến đất, góp công, góp tiền”, “Đoạn đường cựu chiến binh tự quản”, “Ngày hội Bánh chưng xanh”,… Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, các cựu chiến binh đã đóng góp 20 triệu đồng cho Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 của tỉnh; đóng góp trên 2.500 ngày công lao động, hiến gần 3.000 m2 đất cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa phương, được bà con nhân dân tin tưởng, ủng hộ.
“Mỗi năm, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã hoàn thành mục tiêu giảm từ 2 – 3% hộ nghèo, xóa từ 70 – 80 căn nhà tạm bợ. Các cựu chiến binh không chỉ làm kinh tế giỏi, giúp nhau giảm nghèo mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, dù nhiều cựu chiến binh tuổi đã cao. Tổng kết giai đoạn 2016 – 2021, Hội đã nhất trí chọn 4 tấm gương điển hình để Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng Bằng khen và 8 tấm gương để UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, ông Trần Đình Thị chia sẻ.
Dư Toán