74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ: Trường Sa và "mệnh lệnh trái tim" của một vị tướng

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thầy thuốc Nhân dân, nhạc sỹ Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 và một công dân nhỏ tuổi tại thị trấn Trường Sa (tháng 5/2021). Ảnh: Sỹ Tuyên – TTXVN
Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thầy thuốc Nhân dân, nhạc sỹ Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 và một công dân nhỏ tuổi tại thị trấn Trường Sa (tháng 5/2021). Ảnh: Sỹ Tuyên – TTXVN

Trong chuyến hải trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021 vừa qua, chúng tôi - những phóng viên TTXVN may mắn được gặp và trò chuyện một người lính, người thầy thuốc và là một nhạc sỹ có tình yêu Trường Sa vô bờ bến. Ông là Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng).

Là người “không phải sinh ra để làm âm nhạc”, nhưng ông lại “bén duyên” với âm nhạc từ rất sớm. Trong số hàng chục ca khúc ông sáng tác, Trường Sa luôn có một vị trí quan trọng trong trái tim và cảm xúc âm nhạc của ông.

74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ: Trường Sa và "mệnh lệnh trái tim" của một vị tướng ảnh 1Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thầy thuốc Nhân dân, nhạc sỹ Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (thứ 2, phải sang) tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo Đá Tây A. Ảnh: Sỹ Tuyên – TTXVN

Nặng lòng với y tế biển đảo

*Trong những năm qua, ông và Bệnh viện Quân y 175 đã làm được những gì cho y tế biển đảo?

- Từ một tổ quân y đầu tiên với 3 bác sỹ, y tá của Bệnh viện Quân y 175, đến nay trên đảo Trường Sa đã có một trung tâm y tế khang trang, hiện đại với đầy đủ trang thiết bị y tế để giải quyết căn bản những trường hợp cấp cứu trên biển, đảo về nội khoa và ngoại khoa với 12 y, bác sỹ.

Đặc biệt, từ năm 2007, Bệnh viện Quân y 175 đã xây dựng được hệ thống Telemedicine (hệ thống chẩn đoán điều trị từ xa) kết nối giữa đảo Trường Sa và Bệnh viện. Việc này đã làm thay đổi một cách căn bản chất lượng về chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.

Ngoài ra, một hệ thống vận chuyển cấp cứu người bệnh cũng đã được thiết lập. Nếu như trước đây việc vận chuyển, cấp cứu phải phụ thuộc vào tàu thuyền của lực lượng Hải quân và ngư dân, thì này đã thiết lập đường đường bay từ Bệnh viện ra đảo bằng trực thăng và thuỷ phi cơ để vận chuyển cấp cứu những trường hợp ngư dân và quân nhân bị nạn, bị bệnh trên biển, đảo nếu vượt quá khả năng của Trung tâm y tế trên đảo.

74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ: Trường Sa và "mệnh lệnh trái tim" của một vị tướng ảnh 2Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thầy thuốc Nhân dân, nhạc sỹ Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (thứ 2 từ trái sang) cùng Chuẩn Đô đốc Phan Tuấn Hùng (thứ 4, phải sang) - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân và cán bộ, chiến sỹ trên đảo Đá Tây A (tháng 5/2021). Ảnh: Sỹ Tuyên – TTXVN

* Ông có thể cho biết rõ hơn về công tác khám và điều trị trên đảo và trên biển thời gian qua?
- 5 năm qua, số quân nhân và ngư dân đến khám và điều trị tại Trung tâm y tế đảo Trường Sa là 21.500 người, trong đó quân nhân là hơn 8.000 người và khám, điều trị cho ngư dân đánh bắt trên biển là hơn 13.500 người; trong đó có 91 trường hợp được trực thăng vận chuyển vào bờ để phẫu thuật tại Bệnh viện Quân y 175.

Riêng năm 2020, Trung tâm y tế đã khám và điều trị cho 1.500 lượt, trong đó gần 500 lượt chiến sĩ, số còn lại là ngư dân đánh bắt trên biển. Qua đó cho thấy, lực lượng y tế trên đảo chủ yếu là phục vụ nhân dân và bà con ngư dân đánh bắt trên biển. Nhân dân tin yêu chúng ta thì mới đến với chúng ta. Bà con đến với chúng ta càng đông thì chứng tỏ bà con đang yên tâm bám biển, lao động sản xuất. Đó chính là những cột mốc chủ quyền của chúng ta trên biển.

Nhật ký Trường Sa bằng âm nhạc

* Ông có thể chia sẻ những cảm xúc, tình cảm đặc biệt của ông đối với Trường Sa?

- Đã là lần thứ 16 tôi đến với Trường Sa. Đây là may mắn của cuộc đời tôi. Vì nhiệm vụ được trao, những công việc của một người lính, một người thầy thuốc mà tôi được đi nhiều, được tiếp xúc nhiều với những số phận, mảnh đời, hoàn cảnh, suy nghĩ của những con người đang trực tiếp sống và làm nhiệm vụ trên biển đảo của Tổ quốc.

Những mảng màu của cuộc sống như vậy đã tạo cho tôi tình cảm, cảm xúc đặc biệt đối với Trường Sa. Nhiều khi tôi thấy, những ca khúc mà tôi đã viết, đó không phải là cảm xúc thông thường, mà còn là trách nhiệm. Trách nhiệm của một người lính, trách nhiệm của một người thầy thuốc, nhà giáo, người lãnh đạo chỉ huy, để có thể chia sẻ những điều mà bản thân thấy được, nghe được, sờ nắm nó được, để mọi người hiểu thêm và yêu biển đảo, yêu đất nước hơn.

Bố mẹ đã sinh ra tôi, cho tôi cuộc đời. Tổ quốc trao cho tôi màu áo xanh của người lính để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Còn cuộc đời cho tôi một nghề nghiệp, khoác lên mình màu áo trắng để làm nhiệm vụ của một người thầy thuốc.

74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ: Trường Sa và "mệnh lệnh trái tim" của một vị tướng ảnh 3

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thầy thuốc Nhân dân, nhạc sỹ Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 và một công dân nhỏ tuổi tại thị trấn Trường Sa (tháng 5/2021). Ảnh: Sỹ Tuyên – TTXVN

Đối với tôi, âm nhạc là để giúp xoa dịu tâm hồn, còn y học giúp xoa dịu nỗi đau thể xác. Điều may mắn của tôi là tôi được làm cả hai công việc rất là nhân văn và ý nghĩa đó. Vì thế, tôi luôn thấy mình là người hạnh phúc, và trách nhiệm của tôi là phải chia sẻ, để mỗi người dân Việt Nam thêm yêu đảo hơn, yêu biển hơn.

* Trường Sa đến với âm nhạc của ông như thế nào?

- Chính những chất liệu thực tiễn cuộc sống ở Trường Sa đã cho tôi thăng hoa với âm nhạc. Tôi thấy, điều may mắn đó không phải ai cũng có được. Những điều viết ra không phải là ngồi ở một góc trời nào, một quán cà phê, hay bên bình rượu để mà tưởng tượng ra. Đây là là cảm xúc do tôi ghi lại, như một nhật ký, một hành trình của bản thân bằng âm nhạc.

Ví dụ như bài "Sức sống Trường Sa", hay bài "Phút lặng im trên biển" ghi lại những cảm xúc trong lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trên đảo. Hay như sự kiện cháu bé đầu tiên sinh ra ở Trường Sa trong ca khúc "Sinh ra ở Trường Sa". Khi chứng kiến và cảm nhận cuộc chia tay ở Trường Sa, giữa người dân, những người lính trên đảo với các đoàn công tác trong ca khúc "Rốc đồng hồ cát", “Tạm biệt Trường Sa”; hay khi đến viếng mộ của các liệt sỹ trên đảo, thấy được sự hy sinh của những chiến sỹ tuổi 20 đẹp như thế nào trong ca khúc “Có những tuổi 20 như thế”…

74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ: Trường Sa và "mệnh lệnh trái tim" của một vị tướng ảnh 4Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thầy thuốc Nhân dân, nhạc sỹ Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (ôm đàn) đang giới thiệu cho chiến sĩ, cán bộ trên đảo Đá Thị về bài hát "Phút lặng im trên biển" do ông sáng tác. Ảnh: Sỹ Tuyên – TTXVN

*Ông có thể nói thêm về ca khúc “Phút lặng im trên biển”?

- Trong hải trình đến với Trường Sa. Khi tàu hải quân chở đoàn công tác neo đậu trên biển để tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sỹ Trường Sa. Trong buổi lễ tưởng niệm trên tàu, lúc làm lễ là vào buổi chiều, màu ráng chiều cùng với không khí trang nghiêm, xúc động của buổi lễ đã tạo nên một cảm xúc rất mạnh.

Một điều đặc biệt là trên hải trình ra đảo, sóng biển rất lớn, nhưng khi tàu neo lại để tổ chức lễ tưởng niệm thì sóng biển như yên lặng. Lúc lời điếu văn và tiếng nhạc “hồn tử sỹ” cất lên thì cả con tàu như nghiêng sang một bên và hướng về phía các liệt sỹ đang nằm. Những cánh hoa tươi, những cánh hạc giấy được thả xuống biển. Cùng với tiếng sóng, ánh ráng chiều, đã tạo nên một cảm xúc linh thiêng và mãnh liệt. Ca khúc “Phút lặng im trên biển” được viết trong bối cảnh và cảm xúc đó.

“Vị tướng già mắt lệ nhòa run run đôi vai.
Cả con tàu ngàn tấn thép như muốn nghiêng cùng ông.
Về nơi ấy thăm thẳm đáy sâu kia như có tiếng thét gào nghẹn ngào bóp chặt trái tim ông.
Ở nơi ấy có bao người, có bao người đồng đội của ông.
Phút lặng im trên biển cả mênh mông.
Là tấm lòng ấm nghĩa tình đồng đội.
Biển cả bao la như hiểu điều ông nói, tung sóng trào ôm trọn những cánh hoa”.
(Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn hát một đoạn trong bài “Phút lặng im trên biển).

*Ông muốn gửi gắm tâm nguyện gì với Trường Sa hôm nay?

- Cảm ơn Trường Sa. Trường Sa đã cho tôi thăng hoa để từ đó viết nên những ca khúc mà bản thân tôi cảm thấy tự hào. Tôi nói với vợ tôi rằng, cuộc đời tôi sau này khi nghỉ hưu thì cũng chẳng giữ lại gì, ngoài 8 ca khúc về Trường Sa. Đây cũng là những lời cảm ơn chân thành nhất với Trường Sa và cũng là những phút nặng lòng, đau đáu của tôi về Trường Sa trong những năm tháng qua.

Sỹ Tuyên – Thắng Trung – Phan Sáu (thực hiện)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm