Phơi nước mắm theo phương thức truyền thống của người dân làng nước mắm Sa Châu. Ảnh Công Luật - TTXVN |
Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đồng thời, là giải pháp, nhiệm vụ then chốt trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của Chương trình OCOP nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Bên cạnh đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (giảm bớt tình trạng dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. Theo số liệu điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng hợp từ khoảng 6.010 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình (có đăng ký kinh doanh) hiện đang tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm. Cụ thể, nhóm thực phẩm có 2.584 sản phẩm; nhóm đồ uống có 1.041 sản phẩm; nhóm thảo dược có 231 sản phẩm; nhóm vải và may mặc có 186 sản phẩm; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 580 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 201 sản phẩm. Tuy nhiên, mới có 1.086 sản phẩm có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng (chiếm 22,52%); 695 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (chiếm 14,4%). Trên cơ sở phân tích, đánh giá, cho thấy hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có khả năng, dư địa để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa nếu được chú trọng đầu tư, được chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể một cách bài bản, thống nhất, đồng bộ, góp phần tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững. Đến hết tháng 4/2018, cả nước đã có 60/63 tỉnh, thành triển khai xây dựng khung Chương trình OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 30 tỉnh đã lập xong Đề án (tỉnh Hà Giang đã phê duyệt Đề án, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án giai đoạn 2); 28 tỉnh đang lập và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan của tỉnh, chờ Đề án quốc gia phê duyệt sẽ làm căn cứ phê duyệt Đề án riêng của tỉnh. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung triển khai một số nhiệm vụ trước mắt là: Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP theo đúng nội dung và tiến độ, đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời và thống nhất, góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, xây dựng được tổ chức bộ máy quản lý, điều hành Chương trình từ Trung ương đến địa phương. Đến năm 2020, tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% sản phẩm hiện có, tương ứng với 2.400 sản phẩm; phát triển 8 - 10 mô hình Làng văn hóa du lịch và củng cố và kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình. Cùng đó, phát triển mới 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, đào tạo tập huấn kiến thức chuyên môn cho 1.200 cán bộ quản lý nhà nước, 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã. Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai hiệu quả các dự án thành phần, lựa chọn và chỉ đạo điểm một số tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng kinh tế để thực hiện thí điểm Chương trình OCOP.
Thành Trung