Năm 2022, Lễ hội Xuân hồng đánh dấu 15 năm “Hành trình trao đời sự sống”. Với thời gian dài kỷ lục 9 ngày từ 12 đến 20/2/2022, Lễ hội Xuân hồng 2022 hứa hẹn mang lại chuỗi ngày hiến máu ý nghĩa – món quà đầu năm quý giá dành cho người bệnh. Qua mỗi kỳ tổ chức, Lễ hội Xuân hồng đã khẳng định sức lan tỏa, khơi dậy những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng, trở thành lễ hội được mong chờ mỗi dịp xuân về.
Lễ hội Xuân hồng - Lễ hội của lòng nhân ái
Lễ hội Xuân hồng từ lâu đã được coi là Lễ hội của lòng nhân ái, là nơi những trái tim thiện nguyện có cơ hội để cống hiến cho cộng đồng, trao gửi những giọt máu cho người bệnh.
Theo TS.BS Bạch Quốc Khánh-Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh/thành phố khác diễn ra tình trạng thiếu máu nghiêm trọng do thiếu hụt nguồn người hiến máu.
Xuất phát từ thực trạng đó, với mong muốn góp phần đảm bảo đủ máu cho hoạt động khám chữa bệnh của nhân dân trong và sau Tết, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương và Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã lên ý tưởng tổ chức một sự kiện hiến máu lớn ngay sau Tết Nguyên đán. Và Lễ hội Xuân hồng được tổ chức lần đầu tiên từ năm 2008. Ngay trong lần đầu tiên tổ chức, chương trình đã thành công vang dội, lập kỷ lục về số lượng đơn vị máu tiếp nhận được trong một ngày với 2.610 đơn vị.
Theo TS Bạch Quốc Khánh, Lễ hội Xuân hồng đã hoàn thành sứ mệnh của mình với ba mục tiêu lớn: góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu trầm trọng ngay sau dịp tết Nguyên đán; thay đổi quan niệm, nâng cao nhận thức của người dân về hiến máu trong dịp Tết. Lễ hội cũng là cơ hội để diễn tập các biện pháp huy động người hiến máu; phương pháp tổ chức tiếp nhận người hiến máu với nhiều quy mô, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau; đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh, thiên tai, thảm họa…
Từ năm 2010, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chỉ đạo và đưa "Lễ hội Xuân hồng" thành hoạt động cao điểm của Chiến dịch "Vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết" trên phạm vi cả nước. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều tổ chức "Lễ hội Xuân hồng" hoặc "Ngày hội Xuân hồng" trong dịp đầu năm mới và đã trở thành sự kiện hiến máu lớn nhất cả nước.
Qua mỗi kỳ tổ chức, Lễ hội Xuân hồng đã khẳng định sức lan tỏa, khơi dậy hàng vạn tấm lòng nhân ái trong cộng đồng, trở thành lễ hội được mong chờ mỗi dịp xuân về.
Trong hành trình 14 năm liên tục trao đời sự sống, Lễ hội Xuân hồng đã thu hút 250.000 người tham dự và tiếp nhận gần 92.000 đơn vị máu. Trong đó, năm 2017, Lễ hội Xuân hồng đạt kỷ lục với 9.336 đơn vị máu được tiếp nhận trong một ngày chính hội. Với con số này, Lễ hội Xuân hồng trở thành Ngày hội hiến máu lớn nhất Đông Nam Á.
Lễ hội Xuân hồng đã vượt qua chương trình trình hiến máu thông thường, đưa hiến máu trở thành một không gian văn hóa lành mạnh, bổ ích và thiết thực trong những ngày đầu Xuân mới. Ảnh hưởng của Lễ hội Xuân hồng không chỉ ở phạm vi một vùng miền, một tỉnh/thành phố mà còn lan rộng trên cả nước.
Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại
Trong khi cả thế giới, trong đó có Việt Nam đang nỗ lực thực hiện phòng chống dịch bệnh COVID-19 với những diễn biến ngày càng phức tạp thì nguồn máu dự trữ để điều trị cho người bệnh trên cả nước cũng ngày càng khan hiếm. Máu vốn là món quà vô giá giúp con người duy trì sự sống, nên cho dù khoa học nói chung, y học nói riêng đã có sự phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu, song vẫn chưa tìm ra được một loại thuốc hay một loại dịch thể nào có thể thay thế được máu trong cơ thể. Máu và chế phẩm của máu là loại sản phẩm sinh học quý nhất, đóng vai trò duy trì sức khỏe cho con người. Máu cần cho nhiều chuyên khoa, cả cho điều trị hằng ngày cũng như cho cấp cứu ngoại khoa, sản khoa, nội khoa... và cũng rất cần để sẵn sàng dự trữ cho thảm họa, an ninh, quốc phòng của mỗi quốc gia.
Hiến máu là hành động tự nguyện của mỗi người khi cho đi những giọt máu hồng trong cơ thể mình để giúp bao người đang cần đến máu. Khi trao đi một phần nhỏ lượng máu của mình là ta đã thắp lên một ngọn lửa, đem lại hy vọng sống, đem lại niềm tin cho các bệnh nhân gặp tai nạn giao thông, các em bé mắc bệnh tan máu bẩm sinh, các ca ghép tạng cần rất nhiều máu… đang cần máu gấp và cho cả những người thân của họ. Hiến máu nhân đạo là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, tình yêu thương con người và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng; đồng thời, đó cũng là một hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, mang đậm tính nhân văn, nét đẹp văn hóa, thể hiện sâu sắc đạo lý "thương người như thể thương thân" của dân tộc ta. Chỉ một hành động nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn lao từ một người hiến tặng máu, những người cần máu sẽ có thêm một cơ hội được cứu sống.
Theo TS Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cho biết, năm 2021, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trên diện rộng tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, gây ảnh hưởng lớn đến việc vận động, tiếp nhận máu. Tuy nhiên, với sự nỗ lực phấn đấu của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp, đặc biệt là sự ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận hơn 1,3 triệu đơn vị máu, tương đương với gần 1,6 triệu đơn vị máu quy đổi.
Số đơn vị máu tiếp nhận có thể tích trên 250ml tăng đáng kể, đạt gần 60% tổng số đơn vị máu. Lượng máu tiếp nhận trong năm đã góp phần cứu chữa cho hàng vạn người bệnh cần truyền máu, nhất là trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19 tại cộng đồng.
Năm nay, Lễ hội Xuân hồng được tổ chức trong thời gian dài kỷ lục là 9 ngày, bắt đầu từ ngày 12 đến 20/2 tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương với 4 điểm tiếp nhận khác trên địa bàn Thủ đô, dự kiến tiếp nhận khoảng 7.000 đơn vị máu từ khoảng 10.000 lượt người tham gia. Năm 2022, toàn quốc phấn đấu vận động, tiếp nhận 1,5 triệu đơn vị máu, tương đương 1,5% dân số hiến máu; trong đó, 99% là hiến máu tình nguyện, hiến máu nhắc lại đạt trên 50%, đơn vị máu tiếp nhận có thể tích trên 250ml đạt trên 60%.
Máu và nhu cầu về máu trong cấp cứu, điều trị ngày càng đòi hỏi các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động để không chỉ khơi dậy lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, mình vì mọi người của mỗi cá nhân trong xã hội mà còn góp phần làm cho những hành động thiện nguyện đó trở thành nét đẹp văn hóa của cộng đồng. Cho đi một giọt máu hồng để cứu sống người bệnh là mỗi người đã gieo mầm những hạt giống tốt của lòng nhân ái, nghĩa tình vào cuộc sống, tô đẹp thêm nét đẹp truyền thống và đạo lý của người Việt, dân tộc Việt Nam.
Diệp Ninh (tổng hợp)