Huyện Kiên Lương (Kiên Giang) phát triển ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển đảo, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương. Ảnh: Lê Sen - TTXVN |
Bài 1: Nỗ lực trở thành quốc gia mạnh từ biển Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 ra đời trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta kết thúc 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX và đã trải qua 20 năm đổi mới. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, có sự thay đổi cơ bản và toàn diện, vị thế quốc tế của nước ta không ngừng được nâng cao. Quan hệ kinh tế của nước ta với các nước và các tổ chức quốc tế được mở rộng thông qua thực hiện các hiệp định đa phương, song phương góp phần tạo ra "thế" và "lực" mới cho đất nước. Do đó, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường quốc phòng, an ninh, làm cho đất nước giàu mạnh từ biển.Những kết quả khả quan Đánh giá về 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết: Sau khi Nghị quyết được ban hành, các cơ quan Trung ương và địa phương đã tổ chức quán triệt và đề ra các giải pháp triển khai thực hiện. Quốc hội đã thông qua các Luật Biển Việt Nam (năm 2012), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (năm 2015), Bộ luật Hàng hải Việt Nam (năm 2015), Luật Thủy sản (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cùng nhiều luật của các ngành, lĩnh vực có nội dung liên quan đến biển, đảo. Chính phủ cũng đã ban hành hơn 10 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 100 Quyết định về quản lý nhà nước, thực hiện các chủ trương chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh biển, đảo. Nghị quyết đã đề ra 5 lĩnh vực ưu tiên phát triển là khai thác, chế biến dầu khí; khai thác và chế biển hải sản; phát triển kinh tế hàng hải; phát triển du lịch và nghỉ dưỡng biển; tăng xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp. Đồng thời, Nghị quyết cũng định hướng xây dựng kết cấu hạ tầng biển, đảo. Từ những chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước, trong 10 năm qua các bộ, ngành từ Trung ương đến các địa phương có biển đã nỗ lực cụ thể hóa Chiến lược biển vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế biển một cách cụ thể và đạt hiệu quả thuyết phục. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng từ 2,14 triệu lượt người năm 2000 lên hơn 10 triệu lượt năm 2016 và 12,9 triệu lượt năm 2017, tăng 6 lần trong vòng 17 năm. Khách du lịch nội địa cũng tăng mạnh liên tục trong suốt giai đoạn vừa qua, từ 11,2 triệu lượt năm 2000 đến 62 triệu lượt năm 2016 và 73,2 triệu lượt năm 2017. Trong đó, khách du lịch đến 28 tỉnh, thành phố ven biển trong năm 2017 ước đạt khoảng 60 triệu lượt (bao gồm cả khách du lịch trong nước và quốc tế). Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, sự đóng góp của du lịch vào nền kinh tế nước ta giai đoạn vừa qua rất đáng khích lệ. Tổng thu trực tiếp từ khách du lịch năm 2017 đạt 510,9 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 22,6 tỷ USD). Trong đó doanh thu du lịch của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 70% tổng doanh thu toàn ngành. Du lịch đã đóng góp trực tiếp và lan tỏa sang các ngành kinh tế liên quan khác, góp phần thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế. Với tính chất là một ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng, hoạt động du lịch phát triển đã kéo theo sự phát triển của các ngành, lĩnh vực liên quan như vận chuyển, thương mại, dịch vụ, truyền thông, bưu chính viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, y tế... Du lịch góp phần vào xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Lĩnh vực kinh tế hàng hải đã có bước phát triển đáng kể, giá trị sản lượng của ngành vận tải biển, dịch vụ cảng biển và đóng tàu đã liên tục gia tăng, với tốc độ tăng trong giai đoạn 2007-2010 là 22%/năm, giai đoạn 2011-2015 là 13%/năm. Tuy vậy, tỷ trọng đóng góp chung của kinh tế hàng hải vào GDP cả nước còn rất nhỏ và có xu hướng giảm, với mức 1,05% vào năm 2010, 0,98% vào năm 2015 và 0,97% vào năm 2017. Đội tàu biển trong nước tính đến hết tháng 11/2017 có tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu tấn, đứng thứ 4 trong ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tăng đều theo các năm (năm 2015 đạt 427,3 triệu tấn thì đến năm 2017 đạt khoảng 511,6 triệu tấn). Sau 10 năm thực hiện Chiến lược biển, toàn ngành đã có những nỗ lực rất lớn trong công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và dịch vụ logistics, đảm bảo nhu cầu lưu thông hàng hóa bằng đường biển với mức tăng trưởng hàng hóa hàng năm từ 10-20%. Nhiều cảng biển có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 200.000 tấn. Đối với lĩnh vực xây dựng các khu kinh tế ven biển, tính đến hết năm 2017, cả nước đã có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập, với tổng diện tích gần 845 nghìn ha, thu hút khoảng 78,6 tỷ USD vốn đầu tư. Bên cạnh đó, cả nước có 58 khu công nghiệp tập trung ven biển, với tổng diện tích đất công nghiệp gần 13,6 nghìn ha. Các khu kinh tế ven biển đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, tăng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm. Năm 2016, các khu kinh tế ven biển đạt tổng doanh thu khoảng 8 tỷ USD, xuất khẩu đạt hơn 5 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Các khu kinh tế ven biển tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 130 nghìn lao động. Cùng với sự phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, các đô thị cũng được hình thành cung cấp nhà ở, dịch vụ xã hội cho lượng lớn người lao động làm việc trong các trung tâm kinh tế tập trung này. Một số khu nghỉ dưỡng, khu nhà ở hiện đại được xây dựng tại các khu kinh tế ven biển, góp phần phát triển du lịch và cung cấp chỗ ở thường trú, tạm trú cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp đến làm việc trong các khu kinh tế. Các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển đã đóng góp nhất định vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, góp phần tăng nhanh quá trình đô thị hóa ven biển.Tăng trưởng còn thiếu bền vững Tuy 10 năm qua, công tác quản lý và khai thác tài nguyên, môi trường biển đã đạt được những kết quả nhất định, song một số lĩnh vực vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để tính toán các chỉ số GDP, GRDP, thu nhập bình quân đầu người. Kết quả bước đầu cho thấy, trong 10 năm qua, đóng góp của kinh tế biển và ven biển vào GDP cả nước từ 48% năm 2005, giảm xuống còn 40,73% năm 2010 và năm 2017 ước đạt 30,19%. Thu nhập bình quân đầu người của người dân ven biển có tăng, nhưng không cao hơn quá nhiều so với mức tăng trung bình của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người của người dân sống ở 28 địa phương có biển đã tăng gấp 4,84 lần trong giai đoạn 2006-2016, nhưng vẫn thấp hơn so với cả nước về số tuyệt đối: Năm 2006 là 627 USD/người/năm so với mức 637 USD của cả nước, năm 2016 là 3035 USD/người/năm so với mức 3049 của cả nước. Đối với lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, trong 10 năm qua ngành dầu khí đã có nhiều nỗ lực trong thăm dò, khai thác các mỏ dầu, khí mới (bao gồm cả đầu tư các dự án dầu khí ở nước ngoài) và đẩy mạnh đầu tư các tổ hợp chế biến dầu, khí quy mô lớn. Tuy vậy, đóng góp của ngành dầu khí vào kinh tế cả nước đã giảm rõ rệt. Theo Tổng cục Thống kê, đóng góp của ngành dầu khí (bao gồm cả thăm dò, khai thác và chế biến dầu, khí) vào GDP khá cao và ổn định trong giai đoạn từ 2007-2010, với mức đóng góp trung bình là 10,83%; sau đó giảm xuống mức trung bình 7,21% trong giai đoạn 2010-2014, đến năm 2015 mức đóng góp này chỉ còn 3,79% và năm 2017 là 2,76%. Khai thác và chế biến hải sản đã tăng 50% trong 10 năm từ 2,07 triệu tấn năm 2007 lên 3,07 triệu tấn năm 2016 và 3,19 triệu tấn năm 2017. Công nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam hiện nay thuộc loại khá trên thế giới, có 500 cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU. Giá trị xuất khẩu thủy sản những năm gần đây có xu hướng tăng, năm 2010 là 6,03 tỷ USD, năm 2016 đạt 7,05 tỷ USD. Tuy vậy, theo báo cáo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, tỷ trọng đóng góp của ngành vào GDP chưa cao, đạt trung bình 1,99% giai đoạn 2007-2010, 1,91% giai đoạn 2011-2015 và 1,8% trong hai năm 2016-2017, thể hiện xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định phát triển khai thác hải sản như hỗ trợ vay vốn tín dụng để đóng mới tàu cá khai thác xa bờ; hỗ trợ chi phí nhiên liệu; hỗ trợ bảo hiểm; hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch; khắc phục rủi ro, thiên tai; hỗ trợ thiết bị thông tin, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển.... tạo cơ sở phát triển nhanh đội tàu đánh bắt xa bờ, tăng nhanh sản lượng, cơ sở hạ tầng (cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá). (Còn tiếp).
Hoàng Nam