“Tết đến, nghề mộc làm mỏi tay luôn”

“Tết đến, nghề mộc làm mỏi tay luôn”
Anh Kim đang tranh thủ chà nhám chiếc tủ vừa mới đóng xong.
Anh Kim đang tranh thủ chà nhám chiếc tủ vừa mới đóng xong.

Người xẻ gỗ, người đo ván, người nhanh tay chà nhám chiếc tủ vừa mới đóng xong… là tất cả những gì chúng tôi thấy được khi ghé thăm xưởng mộc nhỏ của anh Đặng Bảo Kim, ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A (Hậu Giang), vào những ngày cuối năm.

Dù đã hơn 11 giờ trưa, nhưng không khí làm việc ở đây vẫn rất sôi nổi, tranh thủ nghỉ tay, anh Kim cho biết: “Tui gắn bó với nghề mộc này từ hồi thời còn trẻ đến giờ, tính ra cũng hơn chục năm rồi. Dạo này gần tết, sợ đóng đồ không kịp nên tui đã nghỉ nhận thêm hàng. Thường gần tết là tủ áo và giường ngủ khách đặt nhiều lắm. Hơn tháng nay, tui và mấy anh em tranh thủ làm đồ giao tết có khi không nghỉ trưa luôn. Nghề mộc này, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ thuật nhiều lắm mới cho ra một sản phẩm ưng ý được”.

Trung bình, một tuần ở xưởng anh Kim phải 5 người vừa thợ chính, thợ phụ mới đóng được 3 cái giường, còn tủ thì chỉ được 1 cái.

Do xưởng mộc của anh Kim cũng gần các khu công nghiệp, nên sản phẩm chủ yếu được người dân địa phương đặt đóng là chính.

Theo anh, hiện tràm bông vàng là loại gỗ đang được ưa chuộng nhất vì giá thành phù hợp với người lao động. Thường một sản phẩm hoàn chỉnh khi bán ra sẽ dựa vào kích thước và loại gỗ được đóng để định giá bán. Để có một sản phẩm đồ gỗ hoàn chỉnh thường có rất nhiều công đoạn. Gỗ sau khi mua về phải được xẻ ra từng tấm với kích thước vừa phải. Ván xẻ ra từ cây gỗ sẽ được người thợ mang đi đo theo thước tấc đã được khách đặt để đóng thành sản phẩm. Đa phần tủ, giường và bàn với các kích thước như 1m4, 1m6, 1m8 đến 2m… là thông dụng nhất.

Để sản phẩm đồ gỗ được đẹp công đoạn cuối cùng là chà nhám cũng khá quan trọng. Vì chà mặt gỗ mịn khi sơn vào nhìn sản phẩm sẽ đẹp và tinh tế hơn.

Gắn bó với nghề mộc hơn 20 năm, đôi bàn tay khéo léo của ông Trần Văn Út, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cũng đã cho ra nhiều sản phẩm đẹp từ gỗ để kịp đáp ứng nhu cầu thực khách. Ông Út chia sẻ: “Nếu tết đến mấy ngành nghề khác vào vụ, thì nghề mộc này cũng vậy. Dạo này, tui làm không có thời gian ngơi tay, tui không chỉ đóng tủ giường tại  nhà, mà còn đi gia công đồ cho các gia đình có nhu cầu luôn. Nghề mộc so với lúc trước thì cũng chật vật lắm. Vì giờ đồ nhôm, đồ đóng theo kiểu công nghiệp ra nhiều lại rẻ, giá chỉ bằng phân nửa đồ gỗ nên được nhiều người lựa chọn”. Nếu một cái tủ áo được ông Út đóng và bán trực tiếp sẽ có giá 4 triệu đồng, còn nhận gia công khi khách hàng đã có gỗ sẵn tiền gia công là 2 triệu đồng/cái. Không chỉ nhận đặt đóng và gia công tủ, bàn ghế, giường ngủ, một số sản phẩm như quầy phục vụ, bình hoa, tượng phật… từ gỗ cũng có rất nhiều người lựa chọn.

Dù mặt hàng đồ gỗ đang dần bị thu hẹp thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, các sản phẩm cầu kỳ, sang trọng, tinh tế lại đang được nhiều khách hàng có điều kiện lựa chọn. Ông Nguyễn Văn Út Kìm, hơn 30 năm theo nghề thợ mộc, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, vui vẻ nói: “Ở đây, tui chủ yếu đi gia công đồ tại nhà cho người ta. Do theo nghề đã lâu nên cũng có nhiều khách hàng quen, hễ khi nào người ta mua được gỗ tốt là họ gọi mình đến gia công tủ, salon hay tượng phật đủ hết. Bây giờ, đồ gỗ chỉ những khách biết xài mới chọn thôi. Dạo này gần tết, cũng có nhiều khách kêu tui đến nhà gia công đồ lắm. Năm nay, gắng làm chắc cũng có cái tết lớn cho gia đình”.

Các loại gỗ để đóng tủ, bàn ghế… thường có đặc điểm chung là bền, không ảnh hưởng đến sức khỏe và màu đẹp. Gỗ quý là những loại gỗ sẽ có vân nổi lên và khi dùng lâu gỗ sẽ cho màu sậm, càng cũ càng đẹp.

Tết năm nay, khi nhìn những sản phẩm do mình làm ra được nhiều khách hàng lựa chọn, những người thợ mộc sẽ cảm thấy phấn khởi hơn với cái nghề đang gắn bó và nuôi sống gia đình họ từng ngày!
Theo baohaugiang.com.vn

Có thể bạn quan tâm