Nữ kỹ sư Hoàng Thị Bình gắn bó với đồng bào dân tộc Nùng

Nữ kỹ sư Hoàng Thị Bình gắn bó với đồng bào dân tộc Nùng
Kĩ sư Hoàng Thị Bình. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN
Kĩ sư Hoàng Thị Bình. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Kỹ sư Hoàng Thị Bình tâm sự, là người dân tộc Nùng, những năm tháng tuổi thơ của bà gắn bó với đồng ruộng. Sau này, bà có hơn 20 năm công tác tại Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng, vì thế bà rất hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, đặc biệt là nông dân vùng sâu, vùng xa. Trước mong mỏi của người dân nơi đây là những sản phẩm làm ra có thị trường để tiêu thụ, bà luôn trăn trở làm thế nào để các cây, con đặc sản của bà con có cơ hội vươn ra các thị trường lớn. Từ đó, giúp nông dân có thêm thu nhập từ chính những sản vật địa phương.

Thấu hiểu tâm tư của nông dân, kỹ sư Hoàng Thị Bình đã mạnh dạn đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học hướng tới làm rõ mối liên hệ giữa nông dân, sản phẩm nông nghiệp với thị trường có tiềm năng. Bà say mê nghiên cứu, những đề tài khoa học của bà khi được phổ biến, ứng dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Ngay sau khi chuyển sang làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng (năm 2013), kỹ sư Hoàng Thị Bình đã bắt tay vào thực hiện đề tài “Nghiên cứu và đánh giá thực trạng, đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp vào sản xuất tại Cao Bằng giai đoạn 2005 - 2015”. Đề tài khoa học được thực hiện tại 12 huyện, thành phố trong tỉnh Cao Bằng; qua đó đã xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá các đề tài, dự án, khung quy trình đánh giá đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp trên địa bàn Cao Bằng giai đoạn 2005 - 2015; thu thập số liệu, điều tra, khảo sát thực tế, thực hiện chuyên đề nghiên cứu về cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày…

Mô hình “liên kết 4 nhà” (nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước) là một khái niệm không mới trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thực hiện các “mô hình liên kết 4 nhà” đối với sản phẩm nông nghiệp có tính địa phương còn xa lạ với nhiều người. Nhận thấy, Cao Bằng là tỉnh miền núi có nhiều cây, con đặc sản riêng có, kỹ sư Hoàng Thị Bình đã đề xuất Đề tài khoa học Thực hiện các “mô hình liên kết 4 nhà” đối với các sản phẩm lúa nếp Hương Bảo Lạc (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc), nếp Pì Pất Cao Bằng (xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng), nếp Ong Trùng Khánh, lúa thuần chất lượng cao (xã Cai Bộ, huyện Quảng Uyên) và  Lạc (xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng). Để thực hiện đề tài này, kỹ sư Hoàng Thị Bình cùng đồng nghiệp đã tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất các sản phẩm cho trên 1.500 nông dân; chỉ đạo xây dựng mô hình sản xuất tại các xã thuộc phạm vi của đề tài nghiên cứu. Kỹ sư Bình cho thực hiện mô hình “liên kết 4 nhà” trong sản xuất, xây dựng nhãn hiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Kĩ sư Hoàng Thị Bình kiểm tra mô hình lúa nếp Ong Trùng Khánh (Cao Bằng). Ảnh: TTXVN
Kĩ sư Hoàng Thị Bình kiểm tra mô hình lúa nếp Ong Trùng Khánh (Cao Bằng). Ảnh: TTXVN

Kỹ sư Bình nói thêm, thực hiện các mô hình "liên kết 4 nhà” đối với sản phẩm nông nghiệp đặc sản địa phương là đề tài nghiên cứu khoa học mà bà rất tâm huyết bởi khi đề tài được ứng dụng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Sau khi đề tài nghiên cứu khoa học này kết thúc, người dân ở các xã thuộc phạm vi đề tài đã tiếp tục ứng dụng và mở rộng diện tích sản xuất. Tiêu biểu như sản phẩm lúa nếp Ong từ việc sản xuất trên 40 ha lúc đầu thì hiện nay nông dân huyện Trùng Khánh đã mở rộng diện tích lên gần 200ha; các sản phẩm khác đều được người dân mở rộng diện tích sản xuất. Điều đáng mừng, tất cả các sản phẩm trong phạm vi đề tài nghiên cứu đã bắt đầu có thương hiệu trên thị trường và mở rộng thành vùng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân…

Bên cạnh các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ sư Hoàng Thị Bình còn đứng ra tổ chức, triển khai Sự kiện vận động sáng tạo khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp nông thôn tỉnh Cao Bằng (năm 2018). Kỹ sư Bình cho biết: Sự kiện này đã tạo hiệu ứng tốt để thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo của người dân về lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn; phát huy thế mạnh về cây trồng, vật nuôi đặc sản của tỉnh Cao Bằng; hỗ trợ triển khai, nhân rộng giải pháp đoạt giải, hỗ trợ ý tưởng sáng tạo hình thành kế hoạch thực thi hiệu quả…

Kỹ sư Bình cũng là Chủ tịch Hội đồng phản biện các dự án, đề án lớn của tỉnh Cao Bằng, trong đó có Đề án phát triển sản xuất cây ăn quả như quýt, lê, mận, xoài, thanh long, chanh leo giai đoạn 2017 - 2020; tham gia chủ trì các hội thảo khoa học như hội thảo “Phát huy vai trò trí thức trong chương trình xây dựng nông thôn mới”, “Khoa học và công nghệ với tái cơ cấu nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới”…

Kĩ sư Hoàng Thị Bình khảo sát một mô hình nuôi ong tại Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN
Kĩ sư Hoàng Thị Bình khảo sát một mô hình nuôi ong tại Cao Bằng.
Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Kỹ sư Bình cho biết, tỉnh Cao Bằng nhiều tiềm năng về nông nghiệp, du lịch để khai thác. Vì vậy, các đề tài nghiên cứu khoa học cần gắn với thực tế; đưa nông dân tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ chính những tiềm năng sẵn có ở địa phương. Thời gian tới, bà sẽ tập trung thực hiện hai đề tài nghiên cứu khoa học mà Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng đã đề xuất, đó là Đề tài Nghiên cứu và sản xuất hàng hóa đối với sản phẩm Mật ong tỉnh Cao Bằng, Đề tài Phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển cây trồng, vật nuôi đặc sản tỉnh Cao Bằng…

Với những đóng góp trên, kỹ sư Hoàng Thị Bình là một trong 53 gương mặt tiêu biểu của cả nước được vinh danh “Nhà khoa học của Nhà nông”.
Chu Hiệu

Có thể bạn quan tâm