Mục tiêu 100% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế vào năm 2020

Mục tiêu 100% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế vào năm 2020
Thành phố Hải Phòng đang điều trị ARV cho 4.669 bệnh nhân HIV/AIDS, tỷ lệ BHYT cho người nhiễm đạt 83%. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Thành phố Hải Phòng đang điều trị ARV cho 4.669 bệnh nhân HIV/AIDS, tỷ lệ BHYT cho người nhiễm đạt 83%. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến cuối tháng 3/2018, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ở 63 tỉnh, thành trên cả nước đạt 83,4%. Trong đó, Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Cà Mau là 5 địa phương có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cao nhất nước đạt 100%; 30 tỉnh đạt trên 90%; 5 tỉnh đạt dưới 70% (Đồng Nai, Quảng Trị, Thanh Hóa, Bình Thuận và Bến Tre)... Riêng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong bệnh nhân nhiễm HIV điều trị ARV, đến cuối tháng 3/2018, cả nước đạt 83,4%. Bộ Y tế đang hướng đến có 100% người nhiễm HIV trên cả nước tham gia bảo hiểm y tế vào năm 2020. Hiện cả nước có 191 cơ sở điều trị HIV/AIDS nhận thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế, tương ứng với hơn 48.000 bệnh nhân nhận thuốc trong năm 2019. Bà Dương Thúy Anh, Trưởng phòng Tài chính Kế toán - Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Mặc dù tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong bệnh nhân nhiễm HIV đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa ổn định và bền vững. Cụ thể, vào tháng 9/2017, ghi nhận tỷ lệ trên đạt 84%, đến cuối tháng 12/2017 giảm xuống 82% và tăng lên 83,4% vào tháng 3/2018. Về mục tiêu đến năm 2020, 100% số bệnh nhân nhiễm HIV cả nước có thẻ bảo hiểm y tế, bà Anh cho rằng để hoàn thành mục tiêu trên sẽ gặp không ít khó khăn, khi cả nước có khoảng 10% đối tượng nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân và những người này có tiền cũng không đủ điều kiện tham gia bảo hiểm y tế. Để tháo gỡ vướng mắc, tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, Bộ Y tế và cơ quan Bảo hiểm xã hội cần họp bàn tìm giải pháp tháo gỡ để 10% đối tượng nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân được tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, Thông tư số 15 của Bộ Y tế về “Hướng dẫn khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan“ đang được chỉnh sửa và nội dung quan trọng nhất cần được Bộ tháo gỡ, đó là nên chuyển từ bắt buộc các thành viên trong gia đình của người nhiễm HIV cùng mua thẻ bảo hiểm y tế thành không bắt buộc. Vì một số bệnh nhân HIV do kinh tế khó khăn không đủ nguồn tài chính để mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Tại hội nghị, bà Stephanie De Goes, điều phối viên chương trình PEPFAR Việt Nam cho rằng: Để đạt mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cần nghiên cứu, sửa đổi, tháo gỡ những “nút thắt” của Thông tư số 15 cho phép người nhiễm HIV có nhiều cơ hội tiếp cận bảo hiểm y tế hơn. Theo ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, việc thanh toán điều trị đối với bệnh nhân HIV qua bảo hiểm y tế là bắt buộc được thể chế bằng những quy định của pháp luật. Do đó, các địa phương cần sớm triển khai thanh toán điều trị đối với bệnh nhân HIV qua bảo hiểm y tế theo đúng quy định pháp luật. Các tỉnh, thành trong cả nước cần tập trung xây dựng ngay kế hoạch điều trị bệnh nhân HIV từ các nguồn viện trợ sang điều trị bảo hiểm y tế. Riêng về các kiến nghị, ý kiến đóng góp cho Thông tư số 15 sửa đổi, ông Long cho biết Bộ Y tế sẽ ghi nhận, nghiên cứu, bổ sung nhằm mang lại cơ hội điều trị thuận lợi nhất cho người bệnh HIV tiếp cận với bảo hiểm y tế.
Thanh Sang

Có thể bạn quan tâm