Chuyện kể từ ngôi làng anh hùng

Chuyện kể từ ngôi làng anh hùng

Anh hùng trong kháng chiến

 
Ông Adơng kể lại truyền thống đấu tranh anh dũng của người làng Ktăng cho thế hệ trẻ. Ảnh: H.N
Ông Adơng kể lại truyền thống đấu tranh anh dũng
của người làng Ktăng cho thế hệ trẻ. Ảnh: H.N

Hôm nay, những người từng bị địch bắt tù đày của làng lên xã nhận một khoản tiền trợ cấp. Ngoài một số người đã mất, làng vẫn còn hơn chục người thuộc diện này. Vợ chồng ông Anơng và bà HRem cũng nằm trong số đó. Gia đình ông bà chỉ là một trong số rất nhiều gia đình ở ngôi làng Bahnar này tham gia cách mạng. Ông Anơng đi bộ đội từ năm 1960 cho đến ngày giải phóng. Chỉ cho tôi xem vô số vết sẹo trên cánh tay và bắp chân, ông nói đây là những vết thương do trúng đạn trong những trận đánh giáp lá cà với địch trên đường 19, trận Plei Bông và nhiều trận đánh lớn, nhỏ khác. Ông còn bị địch bắt 2 lần, nếm đủ đòn tra tấn nhưng kiên gan không khai nửa lời.
“Năm 1970, mình bị địch bắt giam ở Nhà lao Pleiku. Cuối năm 1972 thì được thả. Đến đầu năm 1973, mình bị bắt lại nhưng rồi đến cuối năm chúng lại thả. Cũng năm đó, mình về thăm làng thì gặp HRem-một nữ du kích địa phương từng bị địch bắt giam mấy năm ở Nhà lao Pleiku. Ở làng lúc đó chỉ còn ông bà già, trẻ em, còn đám thanh niên như mình phần đi bộ đội, làm du kích, phần đi làm giao liên, hầu như không sót ai ở lại làng, lần đó may sao về lại gặp HRem”-ông kể lại mối lương duyên với người vợ đã sống cùng ông suốt bao nhiêu mùa rẫy.

Anơng tuyệt nhiên không nhắc đến những đòn tra tấn dã man của địch trong những năm tháng bị bắt tù đày. Bởi với ông, điều đó có sá gì so với những mất mát, đau thương mà những con người hiền lành gan góc ở làng phải gánh chịu, để bảo vệ, che chở cho cách mạng. “Cái làng này bị địch bắt dồn dân vào ấp chiến lược không biết bao nhiêu lần mà kể. Mỹ quyết tâm “xóa sổ” bằng được cái làng “cứng đầu cứng cổ” này. Có lần, chúng đã thẳng tay bắn chết 7 người làng trong một cuộc dồn dân hòng bóp chết tinh thần đấu tranh của dân làng. Nhưng chúng làm vậy chỉ khiến họ càng căm thù”. Sau mỗi lần bị dồn vào ấp chiến lược trở về làng cũ, dù chỉ còn lại người già cả, trẻ con nhưng ngôi làng Bahnar giữa rừng ấy nhanh chóng được gầy dựng lại. Từng nóc nhà lại mọc lên. Cây cối lại lên xanh như chưa từng có những lần đốt phá, càn quét dã man trước đó của kẻ thù. Nỗi đau của nhiều gia đình mất con, mất người thân được giấu sau sự bình thản đến kinh ngạc của những con người hiền lành nhưng vô cùng gan góc ấy. Bắt tay gầy dựng lại làng từ con số 0 không biết bao nhiêu lần, người dân vẫn âm thầm tiếp tế lương thực cho bộ đội ngoài rừng, nuôi lớn những đứa trẻ để chúng vào du kích, làm giao liên, cứ thế cho đến ngày giải phóng…

Sản xuất giỏi

 
Làng Ktăng vào vụ thu hoạch cà phê. Ảnh: H.N
Làng Ktăng vào vụ thu hoạch cà phê. Ảnh: H.N

Sau giải phóng, ngôi làng Bahnar này có câu khẩu hiệu nổi tiếng không kém sự gan góc của họ, đó là “Có kẻ thù là đánh, hết kẻ thù xâm lăng là sản xuất cần cù”. Ông Gơih-hộ gia đình có thu nhập cao nhất nhì trong làng với trên 3.000 gốc cà phê kinh doanh, 1.000 trụ hồ tiêu, gần 1 ha lúa nước cùng đàn gia súc hàng chục con. Ông có lẽ là người hiểu rõ nhất những cuộc đổi thay lớn của làng, bởi là người trong cuộc của sự chuyển giao hai thời kỳ. Gơih cũng chính là người con duy nhất của một cặp vợ chồng làm cách mạng trong làng: ông Psưnh-chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và bà Treg-một du kích nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ, được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba vì có nhiều công lao trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Ký ức của ông về tuổi thơ là những ngày tháng trốn ngoài rừng cùng với dân làng khi cha mẹ đi hoạt động cách mạng. Có lúc ông được mẹ đưa đi cùng, luồn lách trong những cánh rừng đem tin tức, lương thực cho các chiến sĩ nằm vùng. Những ngày mẹ bị địch bắt, ông lại tiếp tục ở trên lưng cha đi khắp nơi trong nhiệm vụ được cách mạng giao phó.
“Sau giải phóng, làng chỉ còn đất đai mênh mông là tài sản duy nhất, ai cũng nghèo xác xơ. Mười mấy tuổi, mình đã trở thành lao động chính. Kinh tế bắt đầu từ cây lúa, cây mì, khoai lang cho đến năm 1996 làng mới bắt đầu trồng cây cà phê đầu tiên. Nhưng đây cũng chính là cây giúp nhiều hộ gia đình giàu lên”-ông Gơih nhớ lại.

Kiên cường, gan góc trong chiến tranh bao nhiêu, sau giải phóng người làng Ktăng cần cù chịu khó bấy nhiêu trong công cuộc phát triển kinh tế. Họ đón nhận những cái mới một cách mạnh mẽ, dứt khoát. Không chỉ có Gơih, những hộ gia đình có thu nhập từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng mỗi năm trong làng giơ bàn tay đếm không hết, như gia đình Hnir, HNgơp, Tư, Xuin… Bí thư chi bộ làng-anh Xuin thông tin những con số cực kỳ ấn tượng: “Làng có 142 hộ, 100% là người Bahnar. Những hộ gia đình có thu nhập 200 triệu đồng trở lên mỗi năm chiếm 30% trên tổng số hộ dân. Làng chỉ còn 4 hộ nghèo, là những gia đình không có đất để sản xuất”. Bản thân Xuin thuộc thế hệ trẻ (anh sinh năm 1985) nhưng đã kịp ghi tên vào danh sách những hộ có thu nhập cao nhất của làng với 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng mỗi năm.

Kinh tế phát triển nhưng truyền thống văn hóa vẫn được gìn giữ, phát huy là sự khẳng định của Bí thư chi bộ làng: “Làng vẫn duy trì đội cồng chiêng và một số nghi lễ quan trọng của người Bahnar, như cúng giọt nước, cầu sức khỏe, bỏ mả… Cứ 5 năm làng lại tổ chức một lễ hội lớn, loại bỏ những hủ tục, phát huy nếp sống văn minh trong đời sống”.
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm