Làm sống lại vẻ đẹp ngàn đời của linh vật Việt

Làm sống lại vẻ đẹp ngàn đời của linh vật Việt
Các mô hình về linh vật Nghê Việt được trưng bày tại một triển lãm. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Các mô hình về linh vật Nghê Việt được trưng bày tại một triển lãm.
Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Làm sống lại vẻ đẹp thuần Việt

Sau nhiều năm nghiên cứu, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình thấy rằng giữa sư tử, nghê và chó đá có nhiều điểm khác nhau. Trong trưng bày, con nghê luôn chầu vào nhau, trong khi chó, sư tử đá lại chầu ra ngoài, điều này khẳng định tính thuần Việt của con nghê. Hình tượng con nghê được tìm thấy rất nhiều trong các công trình kiến trúc. Nghê cũng xuất hiện trên ban thờ ở nhiều nơi trong không gian tín ngưỡng của người Việt. Cùng với các linh vật khác, hình tượng con nghê mang ý nghĩa là cầu mong mưa thuận, gió hòa, mọi vật sinh sôi, nảy nở.

Trong quá trình lần theo “bước chân nghê”, Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế khẳng định con nghê gắn liền với cuộc sống của người Việt. Nó xuất hiện từ rất sớm trong tất cả các đền, miếu, lăng, tẩm, đền, chùa. Đặc biệt, con nghê xuất hiện trong các nguồn sáng (trên các chân đèn, trụ đèn), được coi như con vật của niềm tin, trí tuệ, biểu tượng của tinh thần Việt.

Nhà điêu khắc Phạm Bá Ngọc cho rằng: Thực tế, con nghê trong đời sống người Việt không chỉ là một con vật canh cổng, nó có thể vờn với con rồng, đang nô đùa với nhiều con vật khác, đứng cùng với nhiều tướng lĩnh ở đền vua Đinh, ở trên áo của Khổng Tử như tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Nhưng trong thời gian dài, vị trí của nghê trong đời sống, văn hóa người Việt bị chèn ép, thậm chí vùi lấp bởi bạt ngàn những linh vật ngoại lai. Để làm sống lại biểu tượng đẹp trong văn hoá này, những người yêu mến nghê đã vào cuộc.
Có thể kể đến đầu tiên là chàng trai trẻ Nguyễn Trí Quang với việc lập trang web https://vr3d.vn/ như một bảo tàng linh vật online góp phần quảng bá có hệ thống linh vật Việt Nam (đặc biệt là con nghê). Cùng với đó, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ cũng đã phục dựng thành công con nghê gỗ Phủ Sơn từng đặt ở đền thờ Lê Thánh Tông (nay là hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Năm 2015, người dân làng Trạch Xá (Hà Nội) đã di dời cặp sư tử đá Trung Hoa, tiếp nhận đôi nghê do nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ vừa phục dựng. Tiếp đó, nhà điêu khắc này đã thu nhỏ mẫu nghê ở đền Lê Thánh Tông, kết hợp với mẫu nghê ở Thái Miếu nhà Hậu Lê để làm ra những đôi nghê phong thủy.
Họa sỹ Lê Văn Thao và nhóm Circle group của Trần Thành Tùng được giới thiệu nhân hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc-UNESCO) diễn ra tại thành phố Huế từ ngày 18-21/5/2016 đã được quan khách ghi nhận. Nhóm các nghệ sỹ đã thiết kế món quà lưu niệm là một chiếc ấn tặng các chuyên gia UNESCO. Chiếc ấn gồm hai phần, phần chữ lấy từ “Huệ” trong bản "Thư viện lệ quy" và phần linh vật được chọn chính là con nghê đá trong nhà thờ của dòng họ Nguyễn Huy. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, linh vật nghê đã có mặt tại cuộc họp của UNESCO...
Các tư liệu về linh vật Nghê Việt được trưng bày tại một triển lãm. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Các tư liệu về linh vật Nghê Việt được trưng bày tại một triển lãm.
Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Vào năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam và nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội...

Nâng tính ứng dụng hình tượng nghê

Để nâng cao tính ứng dụng của hình tượng nghê vào đời sống, đã có rất nhiều hoạt động lớn được tổ chức như: Triển lãm "Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam" được tổ chức từ năm 2014 đến nay ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đắk Lắk, Thái Nguyên... ; Triển lãm chuyên đề "Linh vật Việt Nam", trong đó trưng bày tượng nghê Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tháng 10/2015; Triển lãm linh vật Việt cuối tháng 11/2016,  tại Bảo tàng Hà Nội. Đặc biệt, năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng tổ chức cuộc thi mẫu linh vật. Tháng 11/2016, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức cuộc thi và triển lãm "Tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc đặt trước các trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng" thu hút đông đảo nhà điêu khắc tham gia…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho rằng: Muốn đưa những linh vật thuần Việt vào đời sống, ngoài việc giáo dục, nêu gương, tuyên truyền về giá trị của các linh vật cần phải quan tâm đến các làng nghề, tạo điều kiện cho các nghệ nhân tiếp cận, cảm nhận được vẻ đẹp của linh vật thuần Việt, từ đó sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo riêng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với các làng nghề, các địa phương quản lý làng nghề, tập huấn cho các nghệ nhân, động viên các nghệ nhân sáng tác, các làng nghề sản xuất các mẫu linh vật đẹp. Vượt qua nhiều khó khăn trong chuyển đổi sản xuất, trên cả nước, đặc biệt là các làng nghề tại Đà Nẵng, Ninh Bình, Thanh Hóa… đã có rất nhiều sản phẩm được sản xuất. Hiện tại, nhiều nghệ nhân, cơ sở sản xuất đã sống được bằng nghề.

  Để nâng cao tính ứng dụng của linh vật, trong đó có con nghê, Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế chỉ ra rằng: Linh vật không chỉ mang tính biểu tượng linh thiêng mà nó còn giúp gắn kết và chia sẻ trong cộng đồng. Việc xem nhẹ linh vật trong đời sống văn hóa Việt Nam đã từng xảy ra trong một thời gian dài dẫn đến sự khủng hoảng nhận diện văn hóa của người Việt hiện nay. Bởi vậy, nên có nhiều hơn nữa các sản phẩm thiết kế đồ gia dụng, hàng lưu niệm mang hình hài linh vật; đặc biệt, không thể thiếu được những công trình điêu khắc công cộng sử dụng hình tượng linh vật Việt Nam.
Mỹ Bình
TTXVN

Có thể bạn quan tâm