Cụ Trần Minh Quang tâm huyết với văn hóa Cao Lan

Cụ Trần Minh Quang tâm huyết với văn hóa Cao Lan
Bên căn nhà sàn lợp lá cọ truyền thống, ông chậm rãi tâm sự: “Ở Tuyên Quang dân tộc Cao Lan chúng tôi là dân tộc thiểu số đông thứ ba, chỉ sau dân tộc Tày, Dao. Văn hóa của người Cao Lan phong phú, bất tận như các dân tộc khác. Nghiên cứu tìm hiểu mãi tôi vẫn thấy cái mênh mang, sâu lắng của văn hóa cha ông”. 
 
Cụ Trần Minh Quang tâm huyết với văn hóa Cao Lan ảnh 1
Ông Trần Minh Quang đang đọc, dịch sách cổ của người Cao Lan.

Hồi còn nhỏ, ông Trần Minh Quang thường được theo bố đi cúng. Bố ông là ông Trần Văn Khoan - một thầy cúng nổi tiếng trong vùng. Sau những chuyến đi cúng, cụ được bố dạy thêm chữ Nho, cách sắp lễ các bài cúng. Nhờ vậy, ông càng có cơ hội hiểu thêm về mạch nguồn văn hóa của dân tộc mình. Trong những năm cải cách ruộng đất, ông năng nổ tham gia các hoạt động từ đoàn xã, chủ nhiệm hợp tác xã, địa chính, phó chủ tịch UBND xã Kim Phú. Năm 1982, ông nghỉ việc về tiếp tục công việc phát triển kinh tế gia đình, trồng trọt, chăn nuôi. Lúc này, ông mới có thời gian rỗi đi sưu tầm những cuốn sách cổ của người Cao Lan để ghi chép, dịch nghĩa, biên soạn lại. Với uy tín của mình, ông được tín nhiệm làm “trùm làng”, cai quản đình Gò Gianh. Nay tuổi cao, sức yếu nên ông không làm “trùm làng” nữa, không nhận đi cúng, nhưng luôn động viên con cháu, dân làng phải biết giữ gìn bản sắc dân tộc.

Ông Quang hiện còn nhớ và kể được nhiều truyện cổ của đồng bào Cao Lan, từ truyện nguồn gốc dân tộc, sự tích muôn loài, truyện người con côi… Với vốn truyện cổ phong phú, ông đã “cung cấp” gần 100 truyện cổ cho cô cháu ngoại Triệu Thị Linh, sinh viên Khoa Văn, Đại học Sư phạm Thái Nguyên làm đề tài dự thi “Hệ thống nhân vật trong truyện cổ tích về người mồ côi của dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang”. Ba năm ròng rã làm đề tài, năm 2005, Linh vinh dự được nhận giải nhì Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc, được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau đó, ông lại cung cấp tư liệu giúp Linh thực hiện và bảo vệ thành công luận án Thạc sỹ “Ngôn từ nghệ thuật trong Sình ca Cao Lan”. Hiện nay, Linh đang công tác, giảng dạy tại Trường Đại học Tân Trào và đang tiếp tục làm luận án tiến sỹ. Linh chia sẻ: “Em rất tự hào và biết ơn ông ngoại của mình. Người đã truyền lửa cho em và thế hệ trẻ trong thôn phải biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người Cao Lan”.

Trưởng thôn 14, xã Kim Phú Hoàng Thị Yên cho biết, hiện nay điều lo lắng nhất của chúng tôi là các cuốn sách cổ của cha ông để lại bị thất lạc, mục nát, ít người đọc được. Như vậy, nhiều tư liệu quý sẽ bị mai một, mất dần. Rất may trong thôn vẫn còn ông Trần Minh Quang là người có thể đọc, dịch, chép được sách cổ. Mấy năm gần đây ông tập trung dịch, chép tư liệu về: Sình ca, nhà xe, tang sành, truyện cổ, các bài cúng, điệu múa, kiến trúc, trang phục, ẩm thực… của người Cao Lan. Việc làm của ông được bà con nơi đây rất trân trọng và nể phục. Ông Quang thực sự là một trong những người “giữ lửa” đáng quý của dân tộc Cao Lan ở địa phương.
 Theo baotuyenquang.com.vn

Có thể bạn quan tâm