Phú Yên chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản theo hướng tăng giá trị nuôi trồng

Phú Yên chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản theo hướng tăng giá trị nuôi trồng
Với lợi thế có gần 14.000 ha mặt nước các đầm, vịnh là tiền đề để tỉnh Phú Yên phát triển mạnh nghề nghề nuôi trồng thuỷ sản Phú Yên. Qua 3 năm (2015-2017)  thực hiện tái cơ cấu, hiệu quả giá trị cơ cấu sản xuất nội bộ đã có sự chuyển dịch với lĩnh vực  nuôi trồng tăng từ 36% lên 46,5% (2017), và khai thác giảm xuống còn 53,5%. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, qua 3 năm (2015-2017)  tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt bình quân 4,5%/năm; trong đó, năm 2017 tăng 14,2% so với năm 2014.
Những lồng, bè nuôi thủy sản ở huyện Tuy An (Phú Yên). Ảnh: Thế Lập - TTXVN
Những lồng, bè nuôi thủy sản  ở huyện Tuy An (Phú Yên). Ảnh: Thế Lập - TTXVN
Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm ở Phú Yên là hơn 2.600 ha với đối tượng nuôi chủ lực có giá trị kinh tế là tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm hùm, cá mú, cá hồng, cá bớp... Giá trị sản phẩm thu được trên mỗi ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt bình quân 842 triệu đồng/ha, tăng 35,9% so năm 2014. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2017 đạt 11.059 tấn, tăng 8% so với năm 2016. Sản lượng thủy sản tăng xuất phát từ nguyên nhân là người dân chuyển diện tích tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng và nuôi cao triều với năng suất mỗi vụ thường đạt từ 4 tấn đến 6 tấn/ha, gấp 2 lần so với nuôi tôm sú và nuôi được 2 vụ trong một năm. Bên cạnh đó, người nuôi còn mạnh dạn đa dạng hóa vật nuôi như cá mú, cá hồng, tu hài, vẹm xanh….góp phần tăng sản lượng vừa cải tạo môi trường nuôi. Ngoài ra, một trong những nghề nuôi trồng thuỷ sản mạnh nhất ở Phú Yên là nghề nuôi tôm hùm bằng lồng và mỗi năm đạt sản lượng tôm hùm thương phẩm từ 500-750 tấn. Tỉnh Phú Yên cũng đã xây dựng thành công một số mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, đa dạng hóa và thân thiện môi trường. Các hoạt động giám sát môi trường và dịch bệnh tại các vùng nuôi luôn được chú trọng với gần 60% diện tích nuôi theo hướng VietGAP, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; 50% diện tích nuôi sử dụng con giống qua kiểm dịch. Một số công nghệ mới được áp dụng cho vùng nuôi tôm thẻ trên cát mang lại năng suất rất cao. Điển hình như tại xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa) có hộ nuôi tôm thẻ đạt năng suất khoảng 30 tấn/ha, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/ha. Công ty TNHH thủy sản Đắc Lộc nghiên cứu quy trình ương  nuôi giống tôm thẻ chân trắng trong nhà lưới theo công nghệ mới và mỗi năm sản xuất từ 2,5 tỷ đến 3 tỷ con tôm giống, mở ra hướng đi mang tính ổn định, bền vững cho nghề nuôi tôm ở Phú Yên hiện nay. Quy trình này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng giải Bông lúa vàng Việt Nam và ghi danh vào “Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2017”. Hiện Công ty TNHH thủy sản Đắc Lộc đang sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị thủy sản khép kín từ đầu vào đến đầu ra, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Global Gap đảm bảo an toàn sinh học và truy xuất nguồn gốc. Nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, từ nguồn vốn của Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) tỉnh Phú Yên đã nâng cấp cơ sở hạ tầng hỗ trợ các vùng nuôi tại các xã: An Cư, An Hải (huyện Tuy An),  xã Xuân Lộc (thị xã Sông Cầu) và xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa); nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất con giống tại xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) và xã Xuân Hòa (thị xã Sông Cầu)... Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm, mới đây UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành Quy định về quản lý lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển. Hiện tỉnh đang triển khai đầu tư hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản Long Thạnh (thị xã Sông Cầu), xây dựngTrung tâm giống thủy sản nước mặn, lập Quy hoạch chi tiết mặt nước nuôi trồng thủy sản vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu); tổ chức triển khai mô hình thí điểm giám sát tự động chất lượng nguồn nước vùng nuôi và thành lập các tổ quản lý cộng đồng nuôi trồng thủy sản .
Thế Lập 

Có thể bạn quan tâm