Ao tôm siêu thâm canh tại huyện Tân Phú Đông. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN |
Theo ông Nguyễn Trung Hòa, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Phú Đông cho biết, để khai thác hiệu quả và phát huy tiềm năng, thế mạnh vốn có, vùng đất ven biển của huyện được đầu tư phát triển theo Dự án Nam Gò Công. Nhiều công trình thủy lợi phục vụ việc nuôi, khai thác thủy, hải sản liên tục được xây dựng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng và phát triển bền vững phong trào nuôi thủy, hải sản.
Trong những năm gần đây, diện tích nuôi tôm ngày càng được mở rộng, kết hợp với khai thác nguồn lợi thủy sản từ các khu vực cồn, bãi ven biển đã đem lại thu nhập lớn cho người dân.
Hiện nay, huyện Tân Phú Đông có trên 6.000 ha nuôi tôm; trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp là gần 1.600ha, với thời gian thả nuôi từ 2 - 3 vụ/năm. Năng suất bình quân trên 6 tấn/ha đối với tôm sú và từ 8 – 12 tấn/ha đối với tôm thẻ chân trắng, giúp người nuôi thu lợi nhuận trên dưới 300 triệu đồng/vụ.
Ông Nguyễn Văn Hải, ấp Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, một người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm chia sẻ, với 5ha nuôi tôm của gia đình, ngoài việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nuôi theo quy trình sử dụng chế phẩm sinh học, tôi còn kết hợp thả kèm cá rô phi, cua…Nhờ vậy, mỗi vụ thuận lợi, tôi thu về trên 1,5 tỷ đồng tiền lãi.
Ông Nguyễn Trung Hòa cho biết thêm, xác định nghề nuôi thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, trong những năm qua, các công trình cơ sở hạ tầng như đường giao thông, lưới điện nông thôn…liên tục được mở rộng trong vùng nuôi thủy sản của bà con nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và đảm bảo vận chuyển hàng hóa .
Cùng với tôm, hiện nay trên địa bàn huyện còn có hàng trăm ha được đưa và sử dụng nuôi nghêu, sò giống tại khu vực Cồn Ngang, Cồn Cống góp phần đa dạng hóa giống loài thủy hải sản trên địa bàn. Bên cạnh đó, chương trình khai thác, đánh bắt thủy hải sản cũng được các ban ngành quan tâm, toàn huyện Tân Phú Đông có nhiều phương tiện đánh bắt gần bờ, xa bờ với công suất từ 20 đến 300 mã lực. Mỗi năm khai thác hàng ngàn tấn hải sản, ngoài việc phát triển kinh tế địa phương, còn giải quyết vấn đề việc làm ở nông thôn cho rất nhiều lao động.