Hiệu quả mô hình hợp tác nuôi cá nước ngọt tại Quảng Ngãi

Hiệu quả mô hình hợp tác nuôi cá nước ngọt tại Quảng Ngãi

Nuôi cá Diêu Hồng ở lòng hồ thuỷ lợi Núi Ngang, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thanh Long -TTXVN
Nuôi cá Diêu Hồng ở lòng hồ thuỷ lợi Núi Ngang, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thanh Long -TTXVN

Thành công nhất phải kể đến mô hình ở xã Ba Liên, huyện Ba Tơ với 43 hộ đồng bào Hre nơi đây đã tham gia nuôi các loại cá mè, trắm cỏ, cá trôi… trên diện tích mặt hồ hơn 200 ha thuộc hồ chứa nước Núi Ngang. Mỗi năm bình quân khai thác được 80- 90 tấn cá, tổng thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng.

Tổ hợp tác nuôi cá Ba Liên được xây dựng dựa trên sự tự giác, dân chủ, lấy đó làm phương thức hoạt động chung. Mỗi thành viên sẽ đóng góp cho tổ 1,2 triệu đồng để làm quỹ mua con giống thả tái tạo nguồn lợi thủy sản sau khai thác, bồi dưỡng cho đội bảo vệ. Ngoài ra, các thành viên còn phải tuân thủ việc mua sắm phương tiện đánh bắt (ghe, xuồng, lưới…) với kích cỡ, số lượng như nhau.

Thời điểm thả nuôi bắt đầu từ tháng Giêng trong năm. Sau 5 tháng chăm sóc, các thành viên trong tổ có thể thu hoạch cá (thường thì kéo dài từ tháng 6 đến tháng 12). Vào mùa thu hoạch, ghe, xuồng tập trung đông đúc cả một vùng sông nước. Thương lái cũng đổ về khu vực này, đứng đợi trên bờ để chờ mua cá. Thu nhập của mỗi thành viên cũng khác nhau, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm đánh bắt riêng. Người nào giỏi nghề thì kiếm tiền nhiều hơn, cao nhất lên tới 30 triệu đồng/tháng.

Ông Phạm Văn Lênh - Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi cá Ba Liên phấn khởi chia sẻ, ở đây không nghề nào hiệu quả bằng nghề nuôi cá, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Ông Thới Xuân Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Liên cho hay, khó khăn lớn nhất hiện nay mà bà con trong xã gặp phải là còn rất ít đất để canh tác, đa phần chỉ đủ trồng một số loại cây ăn quả quanh vườn. Bởi vậy, kinh tế phụ thuộc chính vào việc nuôi và khai thác thủy sản. Xã mong muốn cấp có thẩm quyền quan tâm, hỗ trợ vốn cho bà con đầu tư, mở rộng mô hình này, giúp thêm nhiều hộ có sinh kế làm ăn lâu dài.

Mô hình hợp tác nuôi cá nước ngọt này đã trở thành “điểm đến” tham quan, học hỏi thường xuyên của nhiều lãnh đạo, cán bộ khuyến nông ở các xã, huyện miền núi trong tỉnh để về vận dụng tại địa bàn, góp phần tìm ra hướng đi mới cho người dân bên cạnh việc bám nương rẫy.
Vĩnh Trọng

Có thể bạn quan tâm