Ý kiến cử tri: Phát triển du lịch gắn với khai thác, bảo tồn văn hóa

Cử tri Y Xim Ndu, buôn Yuk La 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đóng góp ý kiến để phát triển ngành du lịch gắn với bảo tồn văn hóa. Ảnh: TTXVN phát
Cử tri Y Xim Ndu, buôn Yuk La 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đóng góp ý kiến để phát triển ngành du lịch gắn với bảo tồn văn hóa. Ảnh: TTXVN phát

Chiều 10/8, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Theo dõi phiên chất vấn, cử tri tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều ý kiến đóng góp để phát triển ngành Du lịch gắn với khai thác, bảo tồn văn hóa trong thời gian tới.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân đánh giá cao không khí phiên chất vấn với sự điều hành linh hoạt, phù hợp của chủ tọa phiên họp. Các đại biểu đã trách nhiệm, tích cực trong việc bám sát chủ đề, nội dung phiên chất vấn để đặt câu hỏi và tranh luận đến cùng để làm rõ vấn đề mà đại biểu quan tâm. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nắm chắc vấn đề, lĩnh vực, trả lời chất vấn rõ ràng, trọng tâm.

Ý kiến cử tri: Phát triển du lịch gắn với khai thác, bảo tồn văn hóa ảnh 1Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân chất vấn về bảo tồn voi và giải pháp để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Cử tri Y Xim Ndu, sinh năm 1992, dân tộc M’nông, buôn Yuk La 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk - một bạn trẻ làm du lịch trải nghiệm gắn với bảo tồn văn hóa cho biết, việc triển khai các giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau dịch COVID-19 đang được địa phương thực hiện tốt, du khách đến Đắk Lắk ngày càng đông, nhất là du khách đến từ các tỉnh, thành phố phía Bắc. Sau dịch, du khách khá thích thú với loại hình du lịch xanh bền vững, như vừa leo núi, cắm trại ngủ trong rừng, săn mây và chụp ảnh trên đỉnh Chư Yang Lắk và trồng cây trên đường khách đi qua. Các hoạt động gắn với du lịch này đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thu gom và không xả rác. Các chính sách của Nhà nước, của tỉnh về hỗ trợ cho các buôn làm du lịch, hộ kinh doanh làm du lịch đã triển khai đến tận cơ sở.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, không chỉ sau dịch COVID-19, ngay thời điểm dịch đang diễn ra, ngành Du lịch tỉnh Đắk Lắk cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp đã xây dựng, thực hiện các giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch. Ngành Du lịch cùng các doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch mới, làm mới sản phẩm du lịch, thực hiện công tác liên kết, tăng cường quảng bá du lịch trên môi trường mạng, tập huấn cho đội ngũ nhân lực về cách phòng, chống dịch khi tiếp đón, phục vụ khách. Đồng thời, trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đối diện với rất nhiều khó khăn song vẫn cố giữ đội ngũ nhân lực - những "hạt nhân" nòng cốt để vực dậy, khôi phục hoạt động du lịch.

Ý kiến cử tri: Phát triển du lịch gắn với khai thác, bảo tồn văn hóa ảnh 2Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham dự phiên họp thứ 14 chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại điểm cầu Đắk Lắk. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động cũng được ngành Du lịch tỉnh Đắk Lắk chú trọng thực hiện như: hỗ trợ kịp thời cho 71 hướng dẫn viên theo Nghị quyết 68 ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19; chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong ngành du lịch. Sau dịch, tỉnh cũng chú trọng liên kết hợp tác, phát triển du lịch với các địa phương như Hà Nội, Bình Dương, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Đà Nẵng để thu hút du khách đến với Đắk Lắk nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.

Với những giải pháp ngành Du lịch tỉnh đẩy mạnh triển khai, sau dịch, tỉnh Đắk Lắk đã xuất hiện nhiều sản phẩm du lịch mới, được du khách đánh giá cao và trải nghiệm. Kết quả, 7 tháng đầu năm 2022, Đắk Lắk đón gần 600.000 lượt khách, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu đạt hơn 435 tỷ đồng, tăng hơn 40%.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai nội dung về bảo tồn voi và giải pháp để ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, sử dụng voi trong hoạt động du lịch phải đảm bảo thân thiện, giúp cho người dân chuyển đổi sinh kế gắn với phát huy giá trị văn hóa của đàn voi, do đó cần định hướng và có giải pháp quản lý chung của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Ngoài ra, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn phải cân đối, hài hòa giữa phát triển lượng khách nội địa và lượng khách quốc tế, khai thác hiệu quả thế mạnh của ngành, của các địa phương.

Ý kiến cử tri: Phát triển du lịch gắn với khai thác, bảo tồn văn hóa ảnh 3Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu đóng góp ý kiến kích cầu, phục hồi du lịch, phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Để phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, cử tri Y Xim Ndu nêu ý kiến, cần khuyến khích 49 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh gìn giữ được văn hóa bản địa, nhất là các lễ hội truyền thống, nhà sàn gỗ. Thời gian qua, ở huyện Lắk, người dân bán nhà sàn gỗ khá nhiều mà đây là không gian sinh hoạt đặc sắc của người dân bản địa để du khách trải nghiệm, khám phá. Các gói hỗ trợ hộ kinh doanh làm du lịch, buôn làm du lịch cần đẩy nhanh tiến độ hơn, kịp phục vụ và đáp ứng nhu cầu của du khách. Tại huyện Lắk, các hộ tự phát làm du lịch, quy mô nhỏ, lẻ, do đó, các lớp tập huấn cần chú trọng đến hộ dân làm du lịch. Bên cạnh đó, cần thay đổi thói quan như nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn, thiếu nhà tắm ở một số buôn làng và liên kết các điểm đến, điểm tham quan, xây dựng quy mô lớn để tạo ấn tượng sâu cho du khách; nên gia hạn thời gian giảm mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành lâu hơn vì dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Các đơn vị chủ rừng nên có cơ chế thoáng mở cho khách du lịch tham quan, khám phá để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái rừng, du lịch khám phá trải nghiệm.

Ý kiến cử tri: Phát triển du lịch gắn với khai thác, bảo tồn văn hóa ảnh 4Cử tri Y Xim Ndu, buôn Yuk La 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đóng góp ý kiến để phát triển ngành du lịch gắn với bảo tồn văn hóa. Ảnh: TTXVN phát

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu, để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng nhất là giao thông, phải đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông nội tỉnh, giao thông đi đến các khu/điểm du lịch, giao thông đến các vùng miền. Hiện nay, doanh nghiệp Đắk Lắk chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn đến địa phương, tạo sức bật cho ngành du lịch. Trung ương, tỉnh xem xét hỗ trợ nguồn lực để xây dựng các sản phẩm du lịch, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo, tập huấn, xúc tiến du lịch với những sản phẩm mới, làm mới sản phẩm gắn với thực tiễn, nhu cầu của du khách.

Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk có 41 di tích được xếp hạng, chủ yếu là di tích danh lam thắng cảnh. Đây là nguồn tài nguyên du lịch quý giá. Tỉnh rất quan tâm công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy di tích gắn với du lịch. Di tích nhiều, song chủ yếu nằm trong hệ thống rừng, vì vậy công tác kêu gọi đầu tư vào di tích khó khăn. Các chủ rừng cần xây dựng phương án bảo vệ rừng bền vững gắn với khai thác du lịch sinh thái. Tỉnh Đắk Lắk cũng đang thực hiện nhiều chính sách bảo tồn văn hóa gắn với du lịch, vừa giúp du khách trải nghiệm, hiểu hơn về văn hóa 49 dân tộc trên địa bàn, vừa giúp người dân địa phương yêu hơn văn hóa mình.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm