Xuất khẩu gạo trong tình hình mới (Bài 2)

Đóng gói sản phẩm gạo từ hút khi chân không của doanh nghiệp Phước Thành 2 (phường Tân Khánh, TP. Tân An, tỉnh Long An). Ảnh: Thanh Binh-TTXVN
Đóng gói sản phẩm gạo từ hút khi chân không của doanh nghiệp Phước Thành 2 (phường Tân Khánh, TP. Tân An, tỉnh Long An). Ảnh: Thanh Binh-TTXVN

Vài tuần trở lại đây, cả thế giới chung một mối lo về đảm bảo an ninh lương thực bởi sự xoay chuyển khó đoán từ xuất khẩu sang tích trữ của một số cường quốc. Ngoài tác động của El Nino, câu chuyện bắt đầu nóng hơn khi Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo, Nga rút khỏi Thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen… đã tăng thêm lo ngại cho thị trường lương thực thế giới. Với vị thế quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu, nhất là lúa gạo, Việt Nam vẫn thực hiện “tròn vai” đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tăng trưởng xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo trong tình hình mới (Bài 2) ảnh 1Sản phẩm gạo từ hút khí chân không của doanh nghiệp Phước Thành 2 (phường Tân Khánh, TP. Tân An, tỉnh Long An). Ảnh: Thanh Binh-TTXVN

Bài 2: Xây dựng uy tín gạo Việt

Giá gạo trong nước và thế giới liên tục tăng. Việt Nam xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới song quan trọng hơn cả là phải đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Vấn đề phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, nâng cao thu nhập của người dân cũng như những thách thức trước mắt và lâu dài cho ngành hàng lúa gạo đang được cả xã hội quan tâm.

Phóng viên TTXVN ghi nhận những ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia và doanh nghiệp xung quanh vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung:

Việt Nam đang duy trì 7,1 triệu ha sản xuất lúa hàng năm, với sản lượng đạt từ 43-43,5 triệu tấn. Nếu giá lúa gạo tốt, thị trường tốt thì có thể mở rộng thêm diện tích. Ngoài mở rộng diện tích vụ Thu Đông thì mở thêm diện tích đã từng chuyển đổi sang mục đích khác, khi giá lúa gạo tốt có thể trở lại sản xuất lúa. Điều này, nông dân đã từng làm rất tốt. Cùng với đó là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để chi phí giảm, mà năng suất vẫn tăng.

Để bảo đảm rằng doanh nghiệp và nông dân chủ động sản xuất và tiêu thụ với vùng nguyên liệu đó thì cần tạo liên kết chuỗi. Xây dựng vùng nguyên liệu có sự gắn kết giữa doanh nghiệp và tổ hợp tác, hợp tác xã hay nhóm hộ.

Điển hình những mô hình của Tập đoàn Lộc Trời, Trung An... Khi tập đoàn liên kết với nông dân thì doanh nghiệp đã tính toán được sẽ chủ động bao nhiêu sản lượng. Nông dân cũng yên tâm khi sản xuất ra đã có đơn vị tiêu thụ.

Mô hình liên kết với hợp tác xã và có sự chia sẻ lợi ích hài hòa, đặc biệt là sự chủ động vùng nguyên liệu. Khi doanh nghiệp chủ động được sản lượng, họ cũng sẽ chủ động được kế hoạch xuất khẩu và có ưu thế trong ký kết, đàm phán hợp đồng.

Chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là xây dựng chuỗi liên kết, từ cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật, vùng nguyên liệu và đặc biệt là sự chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân hay hợp tác xã. Qua các hợp đồng ký kết, nông dân, hợp tác xã có thể yên tâm và có trách nhiệm với cam kết của mình.

Xuất khẩu gạo trong tình hình mới (Bài 2) ảnh 2Công nhân đóng bao bì sản phẩm gạo từ hệ thống hút khi chân không Ảnh: Thanh Binh-TTXVN

Ông Hoàng Trọng Thủy – Chuyên gia nông nghiệp:

Giá lúa gạo lên vừa giúp đẩy mạnh xuất khẩu, tạo niềm tin và động lực cho người dân sản xuất. Việt Nam có thể xuất khẩu được từ 7,2-7,5 triệu tấn gạo. Đây là con số cao.

Khi Ấn Độ dỡ lệnh hạn chế xuất khẩu thì chắc chắn lúa gạo Việt Nam sẽ không có giá như hiện nay. Chúng ta hoàn toàn yên tâm về an ninh lương thực. Bởi, vấn đề an ninh lương thực quan trọng nhất hiện đã có dự trữ quốc gia nên Nhà nước đã nắm được, không đáng lo. Vấn đề hiện nay là không để người tiêu dùng “quấn” vào giá lên. Từ tháng 7, lương cơ sở tăng có thể tác động giá lên nhưng đó không phải là vấn đề an ninh lương thực mà là các khâu trung gian.

Để vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa có cơ hội xuất khẩu tôi cho rằng cần đẩy mạnh sản xuất. Trong sản xuất cần lưu ý cơ cấu sản phẩm hợp lý. Cần nhận diện để quản lý vùng trồng, tránh điều chỉnh cơ cấu sản phẩm mạnh và ảnh hưởng đến xuất khẩu của năm 2024.

Theo quan sát của tôi trong những năm vừa qua, chưa bao giờ giá gạo tăng liên tục trong 3 - 4 tháng. Do đó, người nông dân đừng vội để cơ cấu chuyển sang trồng gạo trắng và gạo tấm.

Trong khi đó, Thái Lan đang giảm diện tích sản xuất lúa đề phòng El Nino; đồng thời họ cũng quan tâm về giá, chuyển sang về chất lượng và đón các phân khúc thị trường có giá trị sinh lời cao như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bởi vậy, vấn đề dự báo thị trường cần được quan tâm.

Nhu cầu thị trường hiện nay vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức với doanh nghiệp. Cơ hội là với doanh nghiệp nào ký hợp đồng mới và có vùng nguyên liệu thì sẽ thắng. Doanh nghiệp nào ký sớm và không có vùng nguyên liệu thì sẽ thua. Nếu thị trường lên cao quá, doanh nghiệp rất dễ bội tín với hợp đồng đã ký. Điều này sẽ rất dễ tạo tiền đề xấu khiến Việt Nam có nguy cơ đánh mất thị trường xuất khẩu.

Để điều hành, ngành công thương cần nắm được có bao nhiêu hợp đồng có vùng nguyên liệu, bao nhiêu hợp đồng không có vùng nguyên liệu để từ đây điều chỉnh.

Với doanh nghiệp không nghiêm chỉnh trong kinh doanh, ảnh hưởng đến uy tín gạo Việt Nam không chỉ phạt hành chính mà cần phải thu hồi ngay giấy phép kinh doanh, tránh nguy cơ mất thị trường.

Xuất khẩu gạo trong tình hình mới (Bài 2) ảnh 3Đóng gói sản phẩm gạo từ hút khi chân không của doanh nghiệp Phước Thành 2 (phường Tân Khánh, TP. Tân An, tỉnh Long An). Ảnh: Thanh Binh-TTXVN

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long:

Từ năm 2008 đến nay, sau 15 năm thị trường lúa gạo mới lên giá mạnh như hiện nay. Nguyên nhân chính bởi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo. Khi thị trường lúa gạo trong nước lên giá sẽ đem lại lợi nhuận tốt hơn cho nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo trong bối cảnh giá vật tư sản xuất cao và cả doanh nghiệp trong hoạt động thương mại.

Để điều hành tốt thị trường lúa gạo mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cần họp, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tính toán nhu cầu tiêu thụ trong nước, cân đối với tổng lượng lúa gạo sản xuất cả nước, khi thừa ra mới cho xuất khẩu. Từ đây xây dựng hạn ngạnh xuất khẩu tối đa được phép. Điều này cũng cần tính đến mùa vụ sản xuất lúa gạo của Việt Nam khi cứ 90 ngày đã có vụ mới.

Như vậy, tự nhiên thị trường sẽ tự điều tiết và sẽ không ai dám đầu cơ nhiều. Chính phủ cũng không cần ra lệnh cấm xuất khẩu như trước đây. Hàng năm sản lượng lúa gạo cả nước tăng lên thì nâng hạn ngạch xuất khẩu lên. Như vậy, an ninh lương thực sẽ vẫn được đảm bảo.

Bên cạnh đó, hiện nay liên kết trong chuỗi sản xuất lúa gạo hiện còn lỏng lẻo, thiếu bền vững. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nắm chắc nguồn cung cũng như có sự đầu tư thích đáng cho hạ tầng, logistics, cần phải đẩy mạnh liên kết chuỗi. Trong liên kết, doanh nghiệp cần tiên phong trong đầu tư sản xuất cũng như logistics bài bản.

Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho chuỗi sản xuất lúa gạo chưa có nhiều. Khi doanh nghiệp là đầu tàu trong chuỗi liên kết thì cần có chính sách ưu đãi riêng cho doanh nghiệp ngành lúa gạo được vay vốn ưu đãi trung và dài hạn. Bởi, bản chất nâng cao giá trị lúa gạo nằm ở cả chuỗi giá trị, từ khâu trồng tới khâu sau thu hoạch mới đem lại giá trị cao.(Còn tiếp-Bài 3: Liên kết nâng chất vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long)

Bích Hồng


(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm