Anh Hà Văn Tuyến, tổ dân phố 6 (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đang phơi miến trong nhà có mái che nilon. Ảnh: baodaklak.vn |
Có mặt ở làng sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng những ngày này mới cảm nhận rõ hơn không khí Tết đang đến, Xuân đang về. Từ tháng 11 âm lịch, khách hàng đặt số lượng lớn nên các hộ gia đình sản xuất bún, miến, phở khô cũng phải tăng cường thêm nhân công và thời gian làm việc để kịp phục vụ nhu cầu của thị trường. Người ngâm gạo, người nhào bột, người đùn sợi bún, người phơi, người đóng gói, ai nấy cũng khẩn trương, cật lực, hào hứng bởi một cái Tết đoàn viên, rộn ràng đang về. Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, thôn 5, xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, chị đi làm thuê cho cơ sở sản xuất bún, phở khô đã hơn 6 tháng nay. Bình thường, chị phụ làm 2 tạ/ngày, khoảng thời gian 2 tháng trước Tết Nguyên đán, cơ sở sản xuất 3 tạ/ngày, chị Nguyệt làm từ sáng tới tầm 7 giờ tối mới nghỉ. Chị Nguyệt chia sẻ, ngày thường có thể làm chậm rãi nhưng khi vào cao điểm sản xuất phục vụ Tết, chị phải nhanh tay ở tất cả các khâu để kịp tiến độ sản xuất sản phẩm. Tương tự chị Nguyệt, chị Bùi Thị Luyến ở tổ 6, khối 7, phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, gia đình chị Luyến làm nghề sản xuất bún, miến, phở khô từ năm 2004. Trước đây, gia đình chị sản xuất bún, phở khô chỉ 50 kg/ngày, dần dần gia đình chị sản xuất lên 3 tạ/ngày. Vào vụ Tết, gia đình chị sản xuất 6 tạ/ngày. Chị Luyến chia sẻ, vào vụ Tết, gia đình chị thuê thêm 2 nhân công toàn thời gian và 3 nhân công bán thời gian (thường là sinh viên được nghỉ học buổi chiều) chuyên đóng gói sản phẩm để phụ giúp cơ sở hoàn thành các đơn hàng mỗi ngày. Làng nghề sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng hiện có 57 hộ làm nghề này, tập trung chủ yếu ở tổ dân phố 1, 2, 3, 5 và 7 của phường Khánh Xuân. Đa số các hộ là người dân các tỉnh, thành phía Bắc vào Đắk Lắk lập nghiệp, sống cùng một khu và mang theo nghề này. Làng nghề này được hình thành sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng vào năm 1975. Trước đây, các hộ sản xuất theo phương thức thủ công nhỏ lẻ, theo thời gian, hiện nay, các hộ đã đầu tư máy móc, dây chuyền quy mô lớn hoặc nhà bóng để phơi, sấy sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất. Chị Bùi Thị Thanh Lam, tổ 6, khối 7, phường Khánh Xuân cho biết, gia đình chị là hộ đầu tiên tiên phong làm nhà lồng để phơi, sấy bún, phở khô. Theo chị Lam, gia đình chị làm nghề sản xuất bún, miến đã được 16 năm, trước đây quá trình làm khô sản phẩm chỉ có cách phơi ngoài trời nên không thể tránh khỏi bụi bặm và rủi ro bị vi sinh vật có hại xâm nhập gây hư hỏng sản phẩm, chưa kể thời tiết bất lợi, gia đình chị phải mang ra mang vào để phơi. Từ tháng 10/2019, gia đình chị đầu tư một khu nhà lồng chuyên phơi, sấy bún, phở khô, vừa tiết kiệm được thời gian và nhân công, vừa giúp sản phẩm khô đều và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, gia đình chị đã đầu tư máy móc, dây chuyền chuyên sản xuất phở khô với giá 400 triệu đồng. Dự định sắp tới, gia đình chị sẽ đầu tư thêm dây chuyền sản xuất bún khô để tăng lượng hàng hóa sản phẩm, tăng thu nhập cho gia đình. Những năm qua, cùng với sản xuất bún, miến, phở khô, các hộ gia đình làm nghề này đã tận dụng nước gạo hoặc thành phẩm dư thừa, hư hỏng trong quá trình sản xuất để nuôi heo rừng lai. Nhờ đó, kinh tế của các hộ làm nghề sản xuất bún, miến, phở khô ở phường Khánh Xuân nhìn chung đều ở mức khá. Băn khoăn của các hộ hiện nay đó là việc kiểm soát đầu vào của nguyên liệu và đăng ký thương hiệu sản phẩm. Đơn cử như việc sản xuất miến khô, hiện nay, các hộ nhập bột dong để sản xuất miến chủ yếu mua từ các tỉnh, thành phía Bắc, chưa kiểm định được nguồn gốc, xuất xứ nên khó khăn trong việc đăng ký thương hiệu, dẫn đến thực tế là số hộ sản xuất miến khô ở phường Khánh Xuân ngày càng ít ỏi. Theo ông Nguyễn Xuân Thăng, Phó Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, các hộ sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng đều cam kết với chính quyền địa phương về sản xuất sản phẩm có chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng hàn the hoặc thuốc tẩy, phụ gia độc hại trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, những năm qua, các hộ chủ yếu tự tìm đầu ra cho sản phẩm, đa số là mối bạn hàng lâu năm và giao sỉ nhỏ, lẻ ở các chợ quanh khu vực thành phố Buôn Ma Thuột với các huyện, thị lân cận trong tỉnh. Ngoài hỗ trợ các cơ sở đi tham quan mô hình nhà lồng và hỗ trợ vốn cho các hộ làm nhà lồng, từ tháng 10/2019, Ủy ban Nhân dân phường Khánh Xuân đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng với 9 thành viên tham gia, tích cực cùng với hợp tác xã quảng bá sản phẩm bún, miến, phở khô của địa phương. Ông Nguyễn Xuân Thăng cho biết, việc tự tìm đầu ra cho sản phẩm khiến việc sản xuất thiếu bền vững, hơn nữa làng nghề tồn tại lâu năm chủ yếu do mối khách hàng quen nên tin tưởng, hiện tại các hộ chưa đăng ký được thương hiệu sản phẩm, chưa xuất bán sản phẩm ra ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Xuân Thăng đề xuất, cơ quan chức năng hỗ trợ kiểm định nguồn gốc bột dong để các hộ yên tâm sản xuất miến khô, tránh mai một nghề sản xuất miến; các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ địa phương và các hộ thủ tục đăng ký thương hiệu sản phẩm, cấp nhãn mác và thương hiệu sản phẩm, bảo hộ mặt hàng để giúp các hộ sản xuất bền vững, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thực tế, làng nghề sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng trong những năm qua không chỉ giúp cho các hộ làm nghề này có đời sống ổn định, kinh tế khá giả mà còn giải quyết công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của phường. Đây cũng là ngành hàng được địa phương chọn để xây dựng nhãn hiệu, tham gia chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, kết nối du lịch cộng đồng trong thời gian tới theo chủ trương của UBND tỉnh Đắk Lắk. Hy vọng với những nỗ lực của địa phương và các cơ sở sản xuất, thương hiệu bún, miến, phở khô Chi Lăng sớm được đăng ký nhãn hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ và mang đến những cái Tết Nguyên đán ấm no, lâu dài với người dân Khánh Xuân.
Hoài Thu