Xuân mới ở vùng Chăm huyện Ninh Phước

Ninh Phước là huyện có đông đồng bào Chăm của tỉnh Ninh Thuận. Thời gian qua, các địa phương trong huyện đã tập trung thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đạt được nhiều thành quả đáng kể. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Chăm được nâng cao, góp phần xây dựng môi trường sống hài hòa, hiện đại.

8-nguoi Cham-Ninh Phuoc-nguyen thanh.JPG
Với cơ chế thuận lợi, Ninh Phước thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, tạo động lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Ảnh: Nguyễn Thành

Những ngày đầu xuân, đến thôn Thành Tín, xã Phước Hải, điều dễ nhận thấy nhất là vùng đất cát hoang hóa trước kia nay đã được phủ xanh bởi những vườn măng tây, cà chua, củ cải, đu đủ… Chị Châu Thị Xéo, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế phấn khởi cho biết: “Ban đầu, hợp tác xã có 7 hộ nghèo. Nhờ trồng măng tây xanh, hiện toàn bộ các hộ đã thoát nghèo và có thu nhập khá”.

9-nguoi Cham-Ninh Phuoc-nguyen thanh.JPG
Huyện Ninh Phước không ngừng nâng cao chất lượng tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống. Ảnh: Nguyễn Thành
10-nguoi Cham-Ninh Phuoc-nguyen thanh.JPG
Để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, huyện Ninh Phước chú trọng phát huy vai trò người có uy tín trong việc hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thành

Nhờ tăng cường tuyên truyền, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng vai trò của người dân và cộng đồng, trên địa bàn huyện Ninh Phước đã xuất hiện nhiều hình thức tổ chức tự quản như: Làng Chăm bình yên; Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, hòa giải cơ sở... Trong những tổ chức tự quản này, vai trò người có uy tín là đồng bào Chăm được phát huy. Ông Quảng Đại Thính, dân tộc Chăm, người có uy tín ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân chia sẻ: “Năm 2017, tôi là một trong những người tiên phong vận động đồng bào Chăm hiến đất làm đường, đóng góp ngày công xây dựng làng Mỹ Nghiệp. Đến nay, đời sống khu dân cư ngày càng khởi sắc”.

12-nguoi Cham-Ninh Phuoc-nguyen thanh.jpg
Một mùa xuân mới đang về như tiếp thêm động lực để đồng bào Chăm quyết tâm xây dựng cuộc sống mới ngày càng giàu đẹp, văn minh. Ảnh: Nguyễn Thành

Ông Ngô Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ninh Phước cho biết, Ninh Phước là huyện đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Toàn huyện có 8 xã và 1 thị trấn, 35.730 hộ/129.871 nhân khẩu, trong đó 6 xã có đông đồng bào Chăm sinh sống, chiếm khoảng 30% dân số toàn huyện. Với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới, Ninh Phước quyết tâm huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị Phước Dân.

11-nguoi Cham-Ninh Phuoc-nguyen thanh.jpg
Du khách tham quan, tìm hiểu nghệ thuật làm gốm tại Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Ảnh: Nguyễn Thành

Thực hiện Phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2021 - 2023, Ninh Phước huy động từ các nguồn lực gần 398 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu. Đến nay, 100% đường giao thông trục xã, trên 85% đường trục thôn, đường làng ngõ xóm, 91% đường nội đồng được trải nhựa, bê tông và cứng hóa; 100% thôn, khu phố, 99,9% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; 100% thôn, khu phố, 100% hộ dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 8/8 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Ninh Phước có hai xã Phước Thuận và An Hải đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 11 thôn đạt thôn nông thôn mới. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện Ninh Phước đạt 72,82 triệu đồng/ người, toàn huyện hiện còn 758 hộ nghèo (chiếm 1,84% tổng số hộ trong toàn huyện) giảm 1,64% so với cuối năm 2022.

1-nguoi Cham-Ninh Phuoc-nguyen thanh.jpg
“Bức tranh” nông thôn huyện Ninh Phước ngày càng khởi sắc. Ảnh: Nguyễn Thành

Năm 2024, Ninh Phước phấn đấu xây dựng thêm hai xã Phước Hậu, Phước Sơn đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, đồng thời xây dựng ít nhất 3 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, mỗi xã có từ 40% số thôn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới.

Nguyễn Thành

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm