Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phát triển đô thị, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận tập trung triển khai đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, góp phần xây dựng môi trường sống hài hòa, hiện đại.
Nhiều chuyển biến rõ nét
Ninh Phước là huyện đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Toàn huyện có 8 xã và một thị trấn với 50 thôn, 15 khu phố, 35.730 hộ/129.871 khẩu; trong đó, 6 xã đông đồng bào Chăm sinh sống, chiếm khoảng 30% dân số toàn huyện. Với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới, Ninh Phước quyết tâm huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị Phước Dân.
Từ phong trào thi đua “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới”, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc. Điển hình là xã An Hải đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Địa phương có nhiều cách làm hiệu quả, tạo được bước đột phá, nhất là tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân thông qua chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung măng tây xanh, rau an toàn ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch.
Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải) cho hay, từ vùng đất cát hoang hóa khó sản xuất, bà con mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây măng tây xanh, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm theo tiêu chuẩn VietGAP. Với một sào trồng măng tây, mỗi ngày, bà con thu hoạch được 10kg, Hợp tác xã bao tiêu thu mua với giá 50.000 đồng/kg, người dân có thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Hợp tác xã hiện có trên 60 thành viên tham gia sản xuất cây măng tây xanh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 55ha. Mới đây, Hợp tác xã được UBND tỉnh công nhận vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao An Hải với tổng diện tích 130 ha.
Theo lãnh đạo UBND huyện Ninh Phước, huyện có diện đất nông nghiệp trên 26.400 ha, chiếm trên 77% diện tích toàn huyện. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện tập trung hỗ trợ các địa phương triển khai 15 mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm với 2.353 ha; mô hình san phẳng mặt ruộng bằng tia laser với 47,6 ha; nhân rộng các mô hình sản xuất “1 phải, 5 giảm”, tiết kiệm nước, bao lưới chống ruồi vàng trên cây táo... Qua đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2023 đạt trên 2.761 tỷ đồng, chiếm 24,91% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế; giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đạt 223,6 triệu đồng/ha
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2023, Ninh Phước huy động từ các nguồn lực gần 398 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu. Đến nay, 100% đường giao thông trục xã, trên 85% đường trục thôn, đường làng ngõ xóm, 91% đường nội đồng được trải nhựa, bê tông và cứng hóa; 100% thôn, khu phố, 99,9% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; 100% thôn, khu phố, 100% hộ dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 8/8 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Ninh Phước có hai xã Phước Thuận và An Hải đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 11 thôn đạt thôn nông thôn mới.
Qua đánh giá, việc xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với xây dựng đô thị mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Ninh Phước ước đạt 72,82 triệu đồng, toàn huyện hiện còn 758 hộ nghèo (chiếm 1,84% so với số hộ toàn huyện) giảm 1,64% so với cuối năm 2022. Số hộ cận nghèo còn 2.347 hộ (chiếm 5,7% so với số hộ toàn huyện) giảm 0,61% so với cuối năm 2022.
Phấn đấu đạt thành quả cao hơn
Xác định tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình xây dựng đô thị loại IV, Phước Dân đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2024, Ninh Phước phấn đấu xây dựng thêm hai xã Phước Hậu, Phước Sơn đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, đồng thời xây dựng ít nhất 3 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, mỗi xã có từ 40% số thôn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình phát triển đô thị thị trấn Phước Dân, phấn đấu đạt 71,06/100 điểm, 48/63 tiêu chuẩn. Nâng thu nhập bình quân đầu người lên 75,48 triệu đồng/năm.
Đến năm 2025, Ninh Phước phấn đấu có 8/8 xã đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó có một đến hai xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới.
Ông Ngô Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết, huyện phấn đấu giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí huyện nông thôn mới; tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng và có giải pháp duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã, thôn đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chuẩn nông thôn mới nâng cao từ năm 2021 trở về trước để đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Để triển khai thực hiện, Ninh Phước xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với chủ đề thi đua: “Xây dựng nông thôn mới phải là cuộc cách mạng trong nông nghiệp” và thực hiện theo phương châm “Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra - Dân thụ hưởng”. Huyện bám sát mục tiêu, tiêu chí, khâu đột phá, lựa chọn thế mạnh trên các lĩnh vực: nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, thương mại để tập trung phát triển. Địa phương tăng cường huy động và lồng ghép các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để đầu tư hoàn thiện, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh.
Theo UBND huyện Ninh Phước, năm 2024 và những năm tiếp theo, huyện tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững; phát triển thương mại - dịch vụ; xây dựng, nâng cấp chợ đầu mối, chợ dân sinh; đa dạng hóa sản phẩm du lịch như: du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm cộng đồng tại các xã, thị trấn có tiềm năng, lợi thế góp phần đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Giai đoạn tới, Ninh Phước tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa y tế, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất gắn đào tạo đội ngũ viên chức y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Địa phương tiếp tục đầu tư các thiết chế văn hóa, thông tin và thể thao phục vụ tốt đời sống tinh thần cho nhân dân; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh tại cộng đồng dân cư. Huyện thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hàng năm, giảm hộ nghèo từ 1% trở lên; xây dựng huyện Ninh Phước sáng - xanh - sạch - đẹp theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XII) đã đề ra.
Nguyễn Thành