Xuân ấm trên rẻo cao

Để mỗi người dân đều được đón mùa Xuân ấm no, có cái Tết đủ đầy, từ những ngày cuối năm Quý Mão, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân hảo tâm trong tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tặng quà Tết cho đồng bào dân tộc ở các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, trong đó có xã nghèo nhất tỉnh Khánh Hòa - Giang Ly.

vna_potal_khanh_hoa_cham_lo_tet_cho_nguoi_dong_bao_7197924.jpg

Trao gạo cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số T'rin ở xã Giang Ly. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Mùa Xuân ở Giang Ly

Xã miền núi Giang Ly, nằm phía Tây Nam của tỉnh, có hơn 94% dân số là đồng bào T’rin (một nhánh của dân tộc K’ Ho). Những năm qua, các chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững của Đảng, Nhà nước đều được chính quyền và nhân dân trong xã nỗ lực thực hiện. Hiện nay, xã còn 103 hộ nghèo, 50 hộ cận nghèo trong tổng số 426 hộ dân. Tất cả hộ khó khăn đều là người T’rin.

Đầu năm 2024, tỉnh Khánh Hòa còn hơn 7.200 hộ nghèo (gồm 5.457 hộ dân tộc thiểu số) và hơn 12.600 hộ cận nghèo. Huyện miền núi Khánh Vĩnh còn 2.758 hộ nghèo, trong đó có 2.706 hộ nghèo dân tộc thiểu số; huyện miền núi Khánh Sơn còn khoảng 2.400 hộ nghèo (gồm cả 2.369 hộ dân tộc thiểu số). Cuối năm 2024, tỉnh phấn đấu giảm 1.590 hộ nghèo, quyết tâm đưa hai huyện miền núi đạt các tiêu chí thoát nghèo.

Để giúp đỡ xã Giang Ly nói riêng, các xã ở các huyện miền núi tỉnh Khánh Hòa phát triển mạnh mẽ hơn nữa, sớm thoát nghèo bền vững, các nhóm hệ thống cơ quan, đơn vị, sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trực tiếp nhận chăm lo, giúp đỡ người dân, đặc biệt là dịp Tết. Trên những nẻo đường vào trung tâm các xã của huyện Khánh Vĩnh, tấp nập rộn ràng những chuyến xe chở đầy ắp hàng hóa nhu yếu phẩm, gạo, mì tôm… để kịp phát quà đến tay bà con người đồng bào dân tộc thiểu số. Tại Ủy ban nhân dân xã Giang Ly, Cụm các đơn vị Giáo dục Khánh Hòa (Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Nha Trang, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, Trường Trung cấp Kỹ thuật miền Trung) vừa xong việc chuyển gạo và mì gói xuống để chờ phát cho người dân đón Tết, nhóm của các nhà hảo tâm khác đã nhanh chóng đánh xe tải vào để chờ bốc hàng hóa xuống.

khanhhoa1.jpg
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa (ở giữa) và các đơn vị trong Cụm Giáo dục, huyện Khánh Vĩnh tặng quà Tết cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn xã Giang Ly. Ảnh: Phan Sáu – TTXVN

Ông Nguyễn Đức Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa, đại diện Trưởng Cụm cho hay, hoạt động chăm lo Tết cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Giang Ly là truyền thống tốt đẹp của các thành viên trong Cụm lâu nay. Bằng sự đóng góp khoảng 138 triệu đồng của các đơn vị, năm nay Cụm Giáo dục đã mua đủ gạo, dầu ăn, đường, nước mắm, mì tôm phát cho toàn bộ hộ dân ở xã. Ủy ban nhân dân xã sau khi tiếp nhận nhu yếu phẩm, sẽ tặng phần quà Tết cho hộ nghèo, cận nghèo “nhỉnh” hơn so với các hộ khác.

“Chúng tôi mong rằng, những món quà không chỉ giúp bà con có Tết vui, Tết ấm no hơn mà giúp bà con có động lực làm ăn, chăm lo cho cuộc sống hằng ngày hơn nữa. Đặc biệt là chăm lo giáo dục cho thế hệ mầm non, thiếu nhi đến trường học và giữ gìn bản sắc dân tộc người T'rin”, ông Nguyễn Đức Sơn chia sẻ.

Từ ngoài cổng Ủy ban nhân dân xã, không khí đã nhộn nhịp, đông vui. Các cô bác, anh chị không ngừng bàn tán, cùng nhau trò chuyện mùa thu hoạch khoai mì (sắn) của nhà mình năm nay có sản lượng ra sao; các con chăm học và học giỏi như thế nào…

Chị Cà Den (sinh năm 1992, người T’ rin) là một trong 103 hộ nghèo trong xã được nhận hai phần quà Tết buổi sáng. Chị cho biết: Nhờ ơn Đảng, Nhà nước, Tết năm nay chị được đón Tết trong căn nhà mới mà Nhà nước xây. Vào ở trong nhà mới từ cuối tháng 12/2023, đến nay, chị vẫn còn ngỡ ngàng vì ngôi nhà quá đẹp so với những gì chị mong ước. Tuy chưa có tiền sắm sửa nhiều vật dụng trong gia đình, nhưng gạo và thực phẩm luôn có đầy đủ trong nhà.

Chị Cà Den cho biết "hồi trước học không chăm, nghỉ học sớm nên giờ rất cực, có khu công nghiệp tuyển lao động, nhưng không có bằng cấp việc làm nên tiếc lắm. Thế nên, Cà Den quyết tâm không để hai con phải mất con chữ". May mắn, hai con của chị thương bố mẹ lam lũ, chăm chỉ học tập. “Năm nay, củ mì đang vào vụ bị sương muối, củ không to và ít lắm. Nhờ gạo có của Nhà nước, người hảo tâm, gia đình không lo sợ thiếu cái ăn nữa. Chúng tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước”, chị Cà Den tâm sự.

Sớm đưa xã thoát nghèo

Ông Cao Sê Dy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giang Ly cho biết, năm nay Ủy ban nhân dân xã dự tính sẽ tiếp nhận và phát từ 1 - 3 lượt quà Tết Giáp Thìn cho bà con trong xã với tiêu chí tất cả hộ dân đều có quà Tết, ưu tiên các phần quà giá trị lớn cho hộ nghèo và cận nghèo là người dân tộc.

Những ngày này, bà con T’rin ở Giang Ly tất bật chỉnh trang nhà cửa, phát quang đường làng, ngõ xóm, cùng nhau chia sẻ công việc để kịp đón Tết. Tết của người T’rin cũng như người Kinh. Người T’rin cũng gói bánh chưng, bánh tét, cũng nghỉ ngơi và thăm nhau trong các ngày đầu năm. Đặc điểm ở Giang Ly, người T’rin không đi chùa mà họ chủ yếu đi nhà thờ (đạo Tin lành) để cầu nguyện.

Chia sẻ thêm về đời sống của người T’rin, ông Cao Sê Dy cho biết, những năm gần đây, ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân tộc đã có ý thức cao hơn trong việc làm ăn. Ngày trước, theo tập tục, người T’rin muốn sống gần nhau, không chịu đi làm xa gia đình, sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, canh tác không có hiệu quả; thì nay đã biết bón phân cho cây trồng, chịu khó đi làm ăn xa. Có nhiều người đã trở nên khá giả nhờ đi làm ăn xa. Đây là những tấm gương để người dân trong xã học tập và thay đổi cách nghĩ, cách làm.

khanhhoa2.jpg
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa thăm chúc và tặng quà Tết cho hội đồng sư phạm Trường Mầm non Hương Sen, Giang Ly. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giang Ly, thời gian tới, theo định hướng phát triển du lịch của huyện, Giang Ly sẽ đẩy mạnh các hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng. Để làm được điều này, đội ngũ trí thức là con em người dân tộc tại xã cần có kiến thức tốt, trình độ cao và sẵn sàng để bứt phá. Mùa Xuân mới sắp về, chúng tôi kỳ vọng Giang Ly khởi sắc, sớm hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo. Từ xã nghèo nhất tỉnh Khánh Hòa chuyển sang xã thực hiện được nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiến tới xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thăm tặng quà chúc Tết tại các trường học, người dân tại xã Giang Ly, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa vui mừng trước những cố gắng, tiến bộ của người dân nơi đây, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều hơn so với trước đó. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kỳ vọng, đến cuối năm 2024, xã Giang Ly từ một xã 30a (xã nghèo nhất nước) sẽ thoát nghèo, cùng với hai huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn đạt mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025; phát triển nhanh và bền vững; xây dựng thành các “tiểu đô thị sinh thái núi rừng” theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại mỗi nơi đến thăm, tặng quà và chúc Tết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh mong các Ama (bố), Away (mẹ), già làng, trưởng bản luôn là những người đi đầu, làm gương cho con cháu làm theo các chính sách của Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế của gia đình và địa phương.

"Tương lai, các đường cao tốc, giao thông khu vực huyện miền núi Khánh Vĩnh nói chung, Giang Ly nói riêng sẽ có nhiều thay đổi. Đường thông thoáng, giao thương, du lịch phát triển sẽ là điều kiện để người dân tộc có việc làm, thu nhập tốt hơn. Do đó, ngành Giáo dục cần làm tốt hơn nữa công việc của mình; thầy cô yêu nghề, yêu trường, bám lớp để mang con chữ đến cho học trò. Chỉ cần giáo dục có hiệu quả, tương lai, Giang Ly sẽ có những nhân lực tốt, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển tại quê hương; đồng thời đảm bảo giữ gìn bản sắc dân tộc", Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa chia sẻ.

Rời Giang Ly trong những cái vẫy tay chào tạm biệt của bà con, cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay phấp phơi ở trên các trục đường xe qua, chúng tôi mong chờ một Giang Ly chuyển mình trong năm 2024, một Giang Ly không còn gắn liền với xã nghèo nhất tỉnh, nhất nước, thay vào đó là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phan Sáu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm