Xuân về, huyện vùng cao Chợ Đồn (Bắc Kạn) trở nên tươi mới với những vườn đồi xanh ngút ngàn điểm vàng quýt chín, những nếp nhà khang trang, những con đường bê tông chạy dài khắp bản làng… Không khí như hân hoan hơn khi đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao nơi đây được vui Tết, đón xuân trong điều kiện đủ đầy và ấm áp…
Phát huy tiềm năng địa phương
Những ngày cuối năm Canh Tý, đồng bào các dân tộc ở huyện vùng cao Chợ Đồn (Bắc Kạn) không chỉ vui mừng bởi mùa vàng bội thu mà niềm vui như được nhân lên khi đồng bào được chứng kiến quê hương có những bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Ông Hà Đức Tiến, Bí thư Huyện ủy Chợ Đồn cho biết: “Năm 2020 là năm cuối Chợ Đồn thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX nhiệm kỳ 2015 - 2020 và huyện đã đạt được những kết quả quan trọng: tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 30.000 tấn; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 32,5 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 11 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) giảm xuống còn 15,1%...”.
Để có được kết quả này, Chợ Đồn đã phát huy tiềm năng địa phương, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, đồng bào chú trọng phát triển chăn nuôi, trồng các loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao. Một số sản phẩm nông nghiệp của huyện giờ trở thành mặt hàng có thương hiệu trên thị trường như: gạo Bao thai Chợ Đồn, chè Shan Tuyết Ngọc Thắng, hồng không hạt Quảng Bạch, quýt Đồng Thắng… Nhờ triển khai tích cực Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) nên đến nay Chợ Đồn đã có 20 sản phẩm được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh (năm 2018, 2019 có 14 sản phẩm; năm 2020 có 6 sản phẩm).
Chợ Đồn còn triển khai nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, đồng thời làm tốt công tác hỗ trợ vốn vay, áp dụng khoa học - kỹ thuật... vào sản xuất, giúp nhiều hộ đồng bào vươn lên làm giàu. Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại của gia đình, ông Mùng Ngọc Hựu, người dân tộc Tày ở xóm Nà Pài, xã Bằng Phúc phấn khởi cho biết: “Từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhờ phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bây giờ gia đình tôi đã có trên 200 con lợn, 60 con bò, đem lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm”.
Tạo động lực thay đổi diện mạo nông thôn
Trong nắng vàng của sắc xuân, đi từ thị trấn Bằng Lũng (trung tâm huyện) tới các bản làng của đồng bào dân tộc, dọc hai bên đường, đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà mới được xây dựng khang trang xen lẫn màu xanh của những vạt rừng, màu đỏ của hoa đào cùng vẽ nên bức tranh xuân nhiều màu sắc. Nhờ triển khai hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo, 100% số xã trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã có đường nhựa, đường bê tông đến tận trung tâm; 98% số hộ đồng bào được sử dụng điện lưới Quốc gia; 90% gia đình khu vực nông thôn có nước hợp vệ sinh…
Thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện nhưng Nghĩa Tá lại là một trong những xã có nhiều chuyển biến trong công tác giảm nghèo. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Tá vừa tiếp chúng tôi vừa vui vẻ nói: “Chính quyền đang khẩn trương hoàn thiện công trình nhà văn hóa xã và đổ bê tông 200 mét cuối cùng trục thôn Bản Bẳng, đoạn từ xóm Khuổi Dạ đi Tông Khun để xã sớm về đích nông thôn mới, mừng đón Tết Nguyên đán Tân Sửu. Cũng từ Chương trình xây dựng nông thôn mới mà số hộ nghèo của xã giảm xuống còn 5,22%”.
Một mùa xuân mới lại về, Chợ Đồn như khoác thêm áo mới, đó là diện mạo đô thị khang trang, là niềm vui, nụ cười rạng rỡ của đồng bào các dân tộc. Thành tựu hôm nay chính là động lực để Chợ Đồn tiếp tục hướng tới những mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, phấn đấu có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm còn 8,86%…
Hữu Hải – An Thành Đạt - Liova Nguyễn