Bắc Kạn: Chuyển đổi số tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội

Bắc Kạn: Chuyển đổi số tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội

Ngày 22/12, tại xã Vi Hương (huyện Bạch Thông), UBND tỉnh Bắc Kạn, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp công bố kết quả giai đoạn 1 về việc chuyển đổi số ở xã Vi Hương. Vi Hương là xã thứ hai trong 8 xã trên toàn quốc công bố việc thực hiện thí điểm chuyển đổi số.

Bắc Kạn: Chuyển đổi số tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội ảnh 1Hợp tác xã Thiên An đã được tập trung hỗ trợ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. tới nay thu nhập của các thành viên trong HTX nhờ thương mại điện tử đã tăng từ 1,5 triệu lên đến 5 triệu đồng/ tháng. Ảnh: Vũ Hoàng Giang - TTXVN

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn đã chủ trì thống nhất với Cục Tin học hóa, UBND huyện Bạch Thông, cấp ủy, chính quyền xã Vi Hương chọn mục tiêu cho giai đoạn 1, phát triển theo 3 trụ cột chính: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Ông Nguyễn Văn Hoán, Bí thư Đảng ủy xã Vi Hương cho biết, sau gần 4 tháng triển khai, xã Vi Hương đã thực hiện các hoạt động chuyển đổi số gồm: Xây dựng các kênh giao tiếp, tương tác thuận lợi hơn với người dân, nâng cấp hệ thống loa truyền thanh thông minh, cài phần mềm chuyển văn bản sang âm thanh thông qua nền tảng trí tuệ nhân tạo AI, triển khai hoạt động thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá, tiếp thị và bán sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, xã triển khai nền tảng kết nối thương mại điện tử Agriconnect cho các sản phẩm nông sản của xã, phần mềm bán hàng Shopone, triển khai cầu truyền hình và nền tảng hỗ trợ hệ thống khám chữa bệnh từ xa telehealth tại trạm y tế, lắp đặt trạm phát sóng di động 4G, trạm wifi công cộng tại khu vực UBND xã…

Bắc Kạn: Chuyển đổi số tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội ảnh 2 Trạm y tế xã Vi Hương được trang bị thiết bị y tế thông minh Telehealth và nền tảng hỗ trợ Khám chữa bệnh từ xa để truyền nhận âm thanh, hình ảnh kết nối với các bệnh viện trong cả nước. Ảnh: Vũ Hoàng Giang - TTXVN

Qua chuyển đổi số, cách thức giao tiếp của chính quyền xã với nhân dân thông qua hệ thống loa phát thanh thông minh đã giúp tuyên tuyền nhanh và kịp thời, mà không phát sinh biên chế. Người dân nắm bắt kịp thời nội dung, tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo xã; đồng thời cũng tăng cường hơn nữa sự tin tưởng, gần gũi giữa chính quyền và nhân dân trên địa bàn. Người dân được hỗ trợ sử dụng wifi, mạng Internet công cộng miễn phí, được tập huấn, tiếp cận và sử dụng hình thức tư vấn, bán hàng qua mạng…

Trạm y tế xã được trang bị thiết bị y tế thông minh telehealth và nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để truyền nhận âm thanh, hình ảnh kết nối với các bệnh viện trong cả nước. Cán bộ y tế xã có thể theo dõi trực tiếp các ca chữa bệnh và tư vấn của bác sĩ tại điểm cầu bệnh viện trong nước.

Trong lĩnh vực giáo dục, các trường học trên địa bàn đã được số hóa, hồ sơ 100% điện tử, cung cấp sổ liên lạc điện tử SMAS (SMS Parents, SParent), phân hệ quản lý thư viện và tuyển sinh đầu cấp cho các trường. Ngoài ra, các trường thực hiện nộp các khoản đóng góp của học sinh qua hệ thống tài khoản ngân hàng.

Trên địa bàn xã có hợp tác xã Thiên An đã được tập trung hỗ trợ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử như: Xây dựng website giới thiệu sản phẩm nông nghiệp; xây dựng Fanfage giới thiệu sản phẩm trên Facebook; xây dựng nền tảng kết nối thương mại điện tử dành cho nông sản AgriConnect để kết nối gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Sản phẩm được sử dụng mã vạch QR code nhằm truy xuất nguồn gốc, ứng dụng BlockChain để kiểm định chất lượng tất cả các khâu… Nhờ vậy, thu nhập của các thành viên trong hợp tác xã đã tăng từ 1,5 triệu đồng lên 5 triệu đồng/tháng.

Đến nay, Vi Hương đã có những chuyển biến tích cực trong công cuộc chuyển đổi số, từ hoạt động của chính quyền đến ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ở mọi mặt đời sống của xã.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa nhấn mạnh: "Việc chuyển đổi số là sự thay đổi có tính đột phá. Nếu chuyển đổi số tại xã thành công thì việc chuyển đổi số ở cấp tỉnh, cấp quốc gia có thể sẽ thành công. Cục chọn Vi Hương là một trong 8 xã thí điểm, bởi lẽ điều kiện kinh tế địa phương rất khó khăn, mọi thứ chưa sẵn sàng. Do đó, nếu chuyển đổi số tại Vi Hương thành công, chúng ta có thể hy vọng chuyển đổi số thành công ở tất cả các xã khác trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số".

Vũ Hoàng Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm