Mô hình trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh : Bùi Đức Hiếu - TTXVN |
Ông Nông Quang Nhất - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn cho biết, mặc dù đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhưng thủ tục hồ sơ không đầy đủ nên chưa được hưởng chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, Bắc Kạn có một số sản phẩm đặc trưng như củ dong riềng, quả mơ vàng, cam quýt Quang Thuận, chè Bằng Phúc, gạo Bao Thai… cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để tăng giá trị, hiệu quả. Những doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành. Mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất cho vay thương mại của các ngân hàng thương mại so với lãi suất tín dụng đầu tư của nhà nước tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 70% kinh phí đầu tư của dự án. Thời gian hỗ trợ lãi suất đối với từng khoản tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại tối đa là 8 năm. Dự án mà doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị thì được áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm. Cùng đó, doanh nghiệp có dự án đầu tư trồng rau, củ, quả, chè theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch được hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án để đầu tư xây dựng giao thông, điện, xử lý chất thải, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống nhà lưới, nhà kính và các trang thiết bị đi kèm như tưới nước tiết kiệm, điều chỉnh nhiệt độ… trong hàng rào dự án. Về điều kiện được hỗ trợ, dự án có quy mô diện tích tập trung từ 10 ha đất canh tác trở lên hoặc 3.000 m2 trở lên đối với diện tích nhà trồng cây (nhà kính, nhà lưới) xây kiên cố. Với doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở bảo quản nông sản gồm: sấy, chiếu xạ, khử trùng, đông lạnh, bảo quản sinh học, được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% chi phí đầu tư nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án. Điều kiện hỗ trợ, công suất sấy nông sản, lâm sản phải đạt tối thiểu 20 tấn sản phẩm/ngày. Bảo quản rau, hoa quả tươi, chè và các nông sản khác đạt 500 tấn kho. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chế biến nông, lâm sản (sản phẩm từ ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản) được ngân sách nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư nhưng không quá 3 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án. Về điều kiện hỗ trợ, các dự án đầu tư chế biến nông, lâm sản phải bảo đảm các điều kiện giá trị sản phẩm sau chế biến tăng ít nhất 1,5 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu. Doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung được nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư nhưng không quá 3 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, cấp thoát nước, nhà xưởng, xử lý chất thải trong hàng rào dự án. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có hệ thống quản lý chất thải rắn và lỏng theo đúng quy định được hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án để đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị trong hàng rào dự án... Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tỉnh Bắc Kạn còn tạo điều kiện về thủ tục hành chính, mặt bằng, vùng nguyên liệu, chế biến, kỹ thuật, lao động và quảng bá tiêu thụ sản phẩm... Những chính sách ưu đãi này được kỳ vọng giúp thu hút đầu tư vào nông nghiệp Bắc Kạn sẽ khởi sắc, có thêm sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng và biết đến. Người dân sẽ tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo quản nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập từ nông nghiệp.
Đức Hiếu