Xử lý vướng mắc trong xuất bản và phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất bản, phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số. Ảnh: baochinhphu.vn
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất bản, phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số. Ảnh: baochinhphu.vn

Ngày 2/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số bộ, ngành liên quan về xử lý khó khăn, vướng mắc trong việc xuất bản và phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số.

Xử lý vướng mắc trong xuất bản và phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số ảnh 1Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất bản, phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số. Ảnh: baochinhphu.vn

Theo báo cáo, đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số lớp 1, 2, 3 và 4; trong đó, các bản mẫu sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số các lớp 1, 2, 3 đã được phê duyệt thẩm định, cho phép sử dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc in ấn, xuất bản, phát hành vẫn chưa được thực hiện để các địa phương triển khai dạy và học bằng tiếng dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Hiện nay, theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; Nghị định số 163/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước, địa phương chịu trách nhiệm bố trí kinh phí để mua sách giáo khoa cấp phát cho người dạy và người học. Tuy nhiên, địa phương lại không có thẩm quyền tổ chức phát hành, xuất bản, in ấn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học.

Bên cạnh đó, các địa phương nếu thực hiện in ấn, xuất bản, phát hành sẽ gặp nhiều khó khăn trong lựa chọn nhà thầu, giá thành cao, chi phí phát hành lớn…do số lượng sách giáo khoa của mỗi địa phương ít, các thủ tục về xuất bản phải thực hiện riêng lẻ.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án: Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức phát hành, in ấn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số bằng ngân sách Trung ương để cấp phát cho thư viện các cơ sở giáo dục sử dụng lâu dài. Phương án này sẽ tạo điều kiện khuyến khích các địa phương triển khai tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo đúng quy định, thúc đẩy việc bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số, phụ huynh và học sinh hưởng lợi, bảo đảm an sinh xã hội.

Tại cuộc họp, lãnh đạo, đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ…đã phân tích, làm rõ những vướng mắc cần tháo gỡ trong Nghị định số 163/2016/NĐ-CP và Nghị định số 82/2010/NĐ-CP liên quan đến cơ sở pháp lý, thẩm quyền để Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tổ chức phát hành, in ấn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số bằng ngân sách Trung ương.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, khẩn trương chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sửa đổi một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP và Nghị định số 82/2010/NĐ-CP theo trình tự thủ tục rút gọn. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị kỹ lưỡng các bước in ấn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số để có thể triển khai ngay khi hoàn tất sửa đổi một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP và Nghị định số 82/2010/NĐ-CP, bảo đảm cho học sinh dân tộc thiểu số có sách học sớm nhất, theo đúng quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm